Chỉ chưa đầy 12% hãng xe điện Trung Quốc có thể tồn tại đến năm 2030

Cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến nhiều hãng xe điện Trung Quốc có thể bị loại khỏi thị trường hoặc buộc phải hợp nhất để duy trì sự hiện diện. Hệ quả là chỉ còn 15 trong số 129 hãng xe điện Trung Quốc có thể tồn tại đến năm 20230 trong cuộc đảo thải khốc liệt này.

Sự bùng nổ của xe điện tại Trung Quốc và quá trình mở rộng phạm vi phân phối đang định hình cục diện cạnh tranh của thị trường ô tô thế giới. Song điều đó không có nghĩa tất cả công ty hoạt động trong lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc đều có thể tồn tại lâu dài, cho dù ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đã phát triển thành thế lực không thể xem nhẹ.

Thực tế từng cho thấy vào năm 2018, khoảng hơn 500 công ty tại Trung Quốc tham gia phát triển và có kế hoạch chế tạo xe "năng lượng mới", trong đó có xe điện. Tiếc là nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã nhanh chóng đóng cửa sau thời gian ngắn hoạt động. Quá trình "thanh lọc" diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua để đến hết năm 2024 Trung Quốc chỉ còn ghi nhận sự hoạt động của 129 công ty trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản xuất xe năng lượng mới.

Seres Group sở hữu các thương hiệu Seres, Aito và Landian là một trong không nhiều hãng xe điện có thể tồn tại độc lập đến năm 2030

Quá trình này vẫn chưa dừng lại. Bởi theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn AlixPartners, trong 129 thương hiệu đang hoạt động tại Trung Quốc chỉ còn 15 thương hiệu đang bán xe điện và xe hybrid cắm điện có được khả năng tài chính độc lập vào năm 2030.

15 thương hiệu còn lại này được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% lượng xe điện và xe hybrid cắm điện được bán ra thị trường Trung Quốc vào cuối thập kỷ 2020s. Mỗi thương hiệu cũng được dự báo sẽ đạt doanh số trung bình 1,02 triệu xe/năm. Song, báo cáo không cho biết cụ thể những thương hiệu sống sót sau quá trình hợp nhất đang diễn ra mạnh mẽ.

Dù vậy, Công ty AlixPartners cho rằng: Quá trình hợp nhất ở Trung Quốc có thể diễn ra chậm hơn so với các thị trường khác. Theo ông Stephen Dyer - người đứng đầu bộ phận thực hành ô tô của AlixPartners tại châu Á, các chính quyền tại một số tỉnh, thành phố ở Trung Quốc có thể duy trì nhiều biện pháp hỗ trợ các thương hiệu không khả thi vì tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế, việc làm và chuỗi cung ứng ở khu vực.

Ông Stephen Dyer phân tích thêm: Trung Quốc là một trong những thị trường xe năng lượng mới cạnh tranh nhất thế giới, nơi diễn ra các cuộc chiến giá khốc liệt và quá trình đổi mới diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy những đột phá đáng kể về công nghệ và hiệu quả chi phí, song cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể đạt được lợi nhuận bền vững.

Li Auto là một trong ba thương hiệu hiếm hoi của Trung Quốc được cho là đạt lợi nhuận trong sản xuất - kinh doanh xe điện

Điều đó lý giải vì sao đến tháng 3/2025, chỉ có ba thương hiệu xe điện tại Trung Quốc gồm BYD, Li Auto và Seres Group (bao gồm các thương hiệu Seres, Aito và Landian) được cho là đã đạt được lợi nhuận. Một số công ty khác như Zeekr, Xpeng và Leapmotor đang tiến gần đến lợi nhuận.

Thống kê này cho thấy cuộc chiến khốc liệt trên thị trường xe điện Trung Quốc nói riêng cũng như thị trường ô tô toàn cầu, nhất là trong bối cảnh tình trạng dư thừa công suất đang đẩy các hãng xe vào cuộc chiến giá cả không khoan nhượng nhằm thu hút người dùng do cung vượt quá cầu. Diễn biến phức tạp của thị trường khiến các cơ quan quản lý của Trung Quốc phải kêu gọi các nhà sản xuất ô tô dừng cuộc chiến giá cả. Song, cuộc chiến này có thể tiếp tục thông qua việc trợ cấp bảo hiểm và tài trợ lãi suất bằng 0 thay vì giảm giá trực tiếp mà các hãng xe và đại lý đang thực hiện.