Xe điện Trung Quốc bị áp phí cao, khó mua bảo hiểm
Trung Quốc không chỉ tiêu thụ ô tô điện lớn nhất thế giới mà còn cung cấp quá nửa lượng xe điện cho thị trường toàn cầu. Trong 10 mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới năm 2023 có 7 mẫu xe đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường Anh, nhiều mẫu xe điện mới đến từ Trung Quốc lại không được các công ty bảo hiểm ở quốc gia này chào đón và thường bị áp phí bảo hiểm cao, thậm chí khó mua bảo hiểm. Vì sao vậy?
Các công ty bảo hiểm ở Anh được cho là đang "né" ô tô điện Trung Quốc. Thậm chí, nhiều mẫu xe điện mới dường như không thể mua được bảo hiểm, nếu có thì cũng bị áp mức phí rất cao. Theo Auto Express, các mẫu xe điện Trung Quốc khó mua bảo hiểm ở Anh, gồm có BYD Seal, GWM Ora 03 và một số mẫu xe MG.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ những e ngại về chi phí sửa chữa cao, thiếu thông tin kỹ thuật cũng như thời gian chờ phụ tùng thay thế kéo dài. Thatcham Research - công ty đánh giá rủi ro bảo hiểm ở Anh - cho rằng: Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa hiểu về quy trình sửa chữa xe ở châu Âu. Trong khi đó, theo giải thích của ông Martyn Rowley - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Sửa chữa Xe Quốc gia Anh Quốc, xe điện Trung Quốc gặp khó khăn trong vấn đề bảo hiểm là do không có sẵn phụ tùng thay thế.
Trong cuộc trao đổi với trang Auto Express, ông Martyn Rowley đã đơn cử trường hợp GWM Ora 03. Mẫu xe này bị coi là "hết thuốc chữa" vì không có phụ tùng thay thế. Trong khi nếu sự việc xảy ra với một chiếc Ford hay Vauxhall, thì sẽ được chỉ định sửa chữa một cách dễ dàng. Phản hồi trước thông tin này, người phát ngôn của GWM Ora xác nhận: Hãng đã nhận được thông tin về một số chủ xe không thể mua được bảo hiểm. GWM Ora đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này kèm khẳng định: Công ty đảm bảo có phụ tùng thay thế. Vì thế, theo GWM ORA, vấn đề mà các mẫu xe của hãng đang vướng phải có thể do là thương hiệu mới trên thị trường.
Thêm nữa, không phải lúc nào cũng có tài liệu của nhà sản xuất hướng dẫn cách sửa xe. Đây có thể không phải là vấn đề ở thị trường Trung Quốc, nhưng lại khiến các công ty bảo hiểm ở Anh quan ngại. Ngoài ra, do chi phí nhân công thấp, việc sửa một lỗi lớn trên thân xe có thể đơn giản ở Trung Quốc, song nhưng lại rất tốn kém ở Anh vì chi phí nhân công ở đây cao hơn.
Từ trường hợp của hãng xe Trung Quốc, Giám đốc Ben Townsend đến từ Thatcham Research cho rằng: Các nhà sản xuất xe điện mới xuất hiện trên thị trường Anh Quốc chưa biết cách làm việc với ngành bảo hiểm nước này. Ông Ben Townsend cũng đưa ra cảnh báo: Các doanh nghiệp ô tô điện Trung Quốc cũng như Ấn Độ và Việt Nam đừng chỉ mang xe đến bán tại Anh và nghĩ rằng có thể thuyết phục khách hàng mà cần hiểu rõ những bước cần thực hiện để khi bán ra thị trường thì xe có thể thực sự lăn bánh.
Xe điện Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất bị áp mức phí bảo hiểm cao tại Anh. Đầu năm 2024, một số nguồn tin cho rằng: Người dùng ô tô điện phải trả mức phí bảo hiểm cao gần gấp đôi so với người sở hữu xe động cơ đốt trong cùng loại. Ngay cả với các hãng sản xuất lớn của Phương Tây, các công ty bảo hiểm coi một chiếc xe là đồ bỏ đi khi hệ thống pin có vấn đề.