Thêm 2.800 tỷ đồng “cởi” nút đường Pháp Vân - Giải Phóng

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất phương án cải tạo và mở rộng nút thắt giao thông Pháp Vân - Giải Phóng lên Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra tại đây, và được thống nhất 2 nhóm giải pháp.

Thêm 2.800 tỷ đồng “cởi” nút  đường Pháp Vân - Giải Phóng
 
Khu vực nút giao thông Pháp Vân – Giải phóng là cửa ngõ vào trung tâm thủ đô, với mật độ phương tiện lưu thông lớn, song thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông bởi những tuyến kết nối như vành đai 3 trên cao, cao tốc Pháp Vân, cầu Thanh Trì vẫn còn chưa hoàn thiện. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, các nhánh của nút giao không đang không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế về giao thông.
 
Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội 2 nhóm giải pháp cải tạo điểm nóng giao thông này, gồm: cải tạo nút giao và phân luồng từ xa. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đề xuất bổ sung thêm 1 nhánh rẽ theo hướng đi thấp dưới cầu cạn vành đai 3 ra Quốc lộ 1 (đường Giải Phóng) để tăng khả năng lưu thông.
 
Cụ thể, khu vực xoay chiều tại nút giao thông hiện nhỏ hẹp, do đó cần mở thêm một điểm quay đầu nhằm chia nhỏ dòng lưu thông rẽ trái trực tiếp vào nút giao thông theo hướng Pháp Vân đi Giải Phóng. Ngoài ra, bên cạnh nhánh chính hiện tại, bổ sung thêm 2 nhánh rẽ vào cao tốc trong đó có nhánh rẽ từ đầu phố Trần Thủ Độ để phân bổ áp lực giao thông cho hướng Giải Phóng đi Pháp Vân. Có hai phương án đang được thảo luận,một là làm nhánh rẽ rộng hơn nhưng tốn kém, mất thời gian hơn vì phải giải phóng mặt bằng; hai là mở nhánh rẽ hẹp hơn, nhưng nhanh và ít kinh phí hơn.
 
Tổng cục Đường bộ cũng đã đề xuất xây 3 tuyến đường mới dẫn đến nút giao Pháp Vân - vành đai 3, trong đó quan trọng nhất là tuyến đi từ nút giao đi thấp ra vành đai 2,5 (Tân Mai, Hoàng Mai), chiều dài 1,7km, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.955 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng đã là 1.075,4 tỷ đồng. Tuyến nối từ khu tái định cư Đồng Tàu ra QL1 và tuyến nhập vào cao tốc Pháp Vân ở sau cầu Văn Điển có số vốn 448 tỷ đồng. Đề xuất này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với cửa ngõ phía Nam Thủ đô, được UBND TP Hà Nội đồng thuận đầu tư xây dựng. Cạnh đó, Hà Nội cũng đang xem xét kế hoạch đường kết nối từ vành đai 3 trên cao qua hồ Linh Đàm nối với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã được trình lên cấp thành phố.
 
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Bộ GTVT cho cải tạo nâng cấp, khai thác nút giao thông Pháp Vân - vành đai 3 sao cho đồng bộ, hiệu quả với dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Dự án Pháp Vân – vành đai 3 này có tổng mức đầu tư 423 tỷ đồng, lấy từ vốn dư của dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ. Với dự án xây đường kết nối từ vành đai 3 thấp sang đường vành đai 2,3 (Tân Mai), lãnh đạo TP đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư thực hiện dự án, mức kinh phí là khoảng 2.400 tỷ đồng.