Đô thị nở hoa đậu trái đắng giao thông tắc nghẽn

Một lý do người Việt sợ Tết là khi toàn bộ dân thành thị cùng xuống đường và tắc. Nhưng nếu nhìn quanh Đông Nam Á, những đô thị như Jakarta hay Bangkok thì có thể thấy kịch bản tắc đường là tất yếu đối với Hà Nội và TP. HCM

Tắc nghẽn giao thông
 
Chỉ số Castrol Magnatec Stop-Start dựa trên điều kiện giao thông và số lần bật chế độ dừng xe tắt máy (stop-start) đã lột tả tình trạng tắc nghẽn giao thông của khu vực Đông Nam Á. Chỉ số này được thực hiện nhờ thiết bị định vị Tom Tom và tính theo công thức: trung bình số lần dừng xe tắt máy/1 km x trung bình quãng đường/ năm.
 
Theo đó, Jakarta là thành phố có tình trạng giao thông tồi tệ nhất trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là đứng đầu thế giới trong năm 2015. Thành phố đứng đầu danh sách này với 33.240 lần stop-start mỗi năm. Con số quá lớn so với 9.360 của Los Angeles – thành phố nổi tiếng về giao thông xấu, nhiều xe hơi hơn Jakartar.  Thậm chí, một du khách chia sẻ trên trang Inseasia: “Khi ở Jakartar tôi tưởng chừng như không chịu đựng nổi”.
 
Tắc nghẽn giao thông 1
Các làn đường chật ních phương tiện tham gia giao thông ở thành phố lớn thứ hai Indonesia - Surabaya.
 
Kế đến là Surabaya cũng thuộc Indonesia với 29.880 lần stop-start mỗi năm. Thành phố thứ hai đất nước này với số dân ước tính khoảng 3,1 triệu người đã trở thành khu vực cảng bận rộn nhất trong khu vực, là trung tâm giao thông liên kết giữa thủ đô Jakarta và Bali.
 
Tắc nghẽn giao thông 2
Kẹt xe tại Bangkok, Thái Lan.
 
Đại diện thứ ba về tình trạng giao thông xấu là thủ đô Bangkok, thành phố du lịch nổi tiếng của Thái Lan. Một du khách than thở: “Tôi từng mất 5 tiếng đồng hồ để lái xe từ sân bay Bangkok về nơi ở vào tối thứ Sáu, chỉ nhanh hơn người đi bộ”. Trong bảng xếp hạng Traffic Index 2016 của Công ty TomTom chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan cho thấy người tham gia giao thông ở Thái Lan mất thêm 57% thời gian cho việc đi lại vì kẹt xe, tương đương 61 phút mỗi ngày. Trung bình người dân Bangkok mất thêm 232 giờ/năm cho việc đi lại do kẹt xe.
 
Bên cạnh đó, Myanmar quốc gia mới mở cửa cũng đã đau đầu trước vấn nạn kẹt xe. U Than Htwe sống ở Hlaing Tharyar, một thị trấn cách 20 km (12 dặm) về phía tây của trung tâm Yangon. Công việc chính của anh ở trung tâm thành phố. Dù ở cách chỗ làm không xa nhưng anh phải dậy từ sáng sớm, nhanh chóng kịp đến điểm dừng xe bus vào lúc 6:30 nhưng phải tới tận 9h mới tới nơi làm việc. U Than Htwe cho biết: “Tôi phải bỏ ra 3 tiếng mỗi ngày để đến nơi làm việc và trở về nhà vào 22h. Không được nghỉ ngơi đúng cách vì mất quá nhiều thời gian trên xe bus”.
 
Một minh chứng khác: Daw Kay Thi Tun, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng quần áo tại trung tâm thành phố, đã mất ít nhất bốn giờ/ngày trên xe buýt để đi từ nhà cô ở ngoại ô Bắc Dagon tới chỗ làm. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho tình trạng chất lượng giao thông thấp kém đã bào mòn thời gian, sức khỏe, hạnh phúc, thậm chí là thu nhập của người dân.
 
Tuy rằng Việt Nam không ở trong bảng xếp hạng của Castrol do đa số chưa có số liệu từ thiết bị định vị Tom Tom nhưng hình ảnh tắc đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã cho thấy nước ta đã đuổi kịp láng giềng riêng về khoản tắc đường. Trong đó, cơ sở hạ tầng đã “tiếp tay” cho vấn nạn trên với các công trình giao thông xây dựng với tốc độ ì ạch, dự án cao tầng chẹn vào các khu vực tắc... Liệu có ai đoạt được giải thưởng đưa ra giải pháp chống tắc thành công cho Hà Nội được không?