Quốc hội không muốn giảm thuế TTĐB vì lo bảo hộ ôtô nội

Đa số đại biểu quốc hội cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe dưới 9 chỗ sẽ khiến ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, khi đó ngành công nghiệp ô tô non trẻ trong nước sẽ không đủ sức cạnh tranh, thậm chí là “chết hẳn”. Tuy nhiên, thực tế, sau hơn 20 năm bảo hộ ngành công nghiệp xe hơi trong nước vẫn là con số 0 tròn trĩnh thì liệu rằng sẽ cần phải bảo hộ thêm bao lâu để vực dậy “đứa con không chịu lớn” này.

Thuế ô tô
 
Các đại biểu quốc hội lo rằng giảm thuế sâu sẽ khiến các doanh nghiệp ô tô nước ngoài hưởng lợi kép
 
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra chiều ngày 13/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cân nhắc việc cắt giảm thuế TTĐB đối với ô tô dung tích nhỏ vì lo ảnh hưởng tới ngành lắp ráp trong nước. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng cần xem xét kỹ việc giảm thuế TTĐB với ô tô để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Theo bà Thủy, việc giảm thuế TTĐB vào thời điểm này là không nên bởi đây là đang thời điểm thuế nhập khẩu ô tô (từ khu vực ASEAN) sắp về 0% vào năm 2018. Việc giảm thêm thuế TTĐB có thể khiến các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu hưởng lợi kép, dẫn đến tình trạng nhập khẩu xe ồ ạt, làm gia tăng thâm hụt thương mại, giảm thu ngân sách, đồng thời gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông vốn đã quá tải. Chính vì vậy, bà Thủy đề nghị Quốc hội giữ nguyên mức thuế TTĐB hiện hành với ô tô hoặc chỉ giảm ở mức thấp.
 
Chung quan điểm, các đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang), Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) và Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng bày tỏ nỗi lo về việc giảm thuế ô tô sẽ khuyến khích tiêu dùng trong nước, gây áp lực lên hệ tầng giao thông, đồng thời có chung đề nghị cần cân nhắc thêm tác động của việc giảm thuế TTĐB với ô tô đến cân đối ngân sách nhà nước vì nó khiến cho ngân sách nhà nước giảm thu mạnh.
 
Tiếp tục bàn lùi, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng giảm thuế TTĐB có mặt tích cực là giá ô tô sẽ rẻ hơn và người tiêu dùng sẽ dễ tiếp cận hơn, song mặt trái là xe nhập khẩu ồ ạt tấn công vào thị trường Việt Nam, đẩy ngành ô tô Việt Nam “mới ra đời, còn non trẻ, vốn liếng đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi họ có nhiều kinh nghiệm” bước lên vũ đài không cân sức.
 
Như vậy, hầu hết các ý kiến đại biểu quốc hội đưa ra đều cho rằng giảm thuế TTĐB với ô tô sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách cũng như “bóp ngạt” ngành sản xuất ô tô nội địa mà không quan tâm nhiều đến nhu cầu và lợi ích của người dân. Đơn cử như, nếu theo ý kiến của đại biểu Lê Văn Lai thì ngành công nghiệp ô tô trong nước còn phải cần bao nhiêu thời gian để có thể thích nghi với việc giảm thuế. 5 năm hay 10 năm nữa? Trong khi đó, có một thực tế là ngành sản xuất công nghiệp ô tô trong nước đã được bảo hộ hàng chục năm trời, và chỉ đến gần đây mới bị dỡ dần bảo hộ, song đến nay vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Hơn 20 năm xây dựng và phát triển mà vẫn có thể coi công nghiệp ô tô Việt Nam “mới ra đời, còn non trẻ”, như vậy, phải bao nhiêu năm mới hết “non”?
 
Bên cạnh đó, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không không làm thay đổi cơ bản cuộc chơi của những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Thứ nhất, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang bị đóng khung bởi những con đường chật ních và hệ thống giao công cộng xập xệ. Thứ hai, trong khi giá xe CBU vẫn đang cao hơn hẳn xe sản xuất trong nước thì tốc độ tăng trưởng đã vượt trội, với một trong những lý do là chất lượng xe ngoại hơn hẳn xe nội, dù cùng một mẫu. Thứ ba, dù xe CBU dần được hưởng lợi về mặt thuế nhập khẩu, nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng từng phát biểu: Dù thuế nhập khẩu có giảm nhưng giá xe có giảm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chưa có gì đảm bảo người dân có thể được tiêu dùng những sản phẩm của các nước tham gia vào TPP với mức giá xấp xỉ với người dân chính nước đó. Trong khi đó, thuế suất là chịu chung, thay vì so bì xem ai lợi, ai hại, nếu có thể dành khoảng trống cho những cuộc tranh cãi để tìm ra con đường giảm chi phí sản xuất, hạn chế tối đa việc phải nhập khẩu linh phụ kiện vì không thể tự sản xuất, và thực hiện luôn, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều.
 
Ngay chính đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng phát biểu: “Khi chúng ta chưa làm được động cơ, chưa làm được hộp số thì đừng nói nội địa hóa, đấy chỉ là vớ vẩn mà thôi.”