Xe nhập khẩu tăng mạnh, ô tô nội địa giảm sản lượng

Trong khi lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 76% so với quý I/2022, thì sản lượng xe nội địa lại sụt giảm. Thực tế này đang đặt ta nhiều thách thức cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 3, Việt Nam ước tính nhập khẩu khoảng 15 nghìn ôtô nguyên chiếc các loại, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong quý đầu năm 2023, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt 41.780 xe các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt 903 triệu USD, tăng 76% về số lượng và khoảng 60% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Thái Lan và Indonesia vẫn là hai quốc gia cung cấp ôtô chủ yếu cho thị trường Việt Nam.

Nhiều mẫu xe nhập khẩu đang có kết quả kinh doanh khá tốt tại thị trường Việt Nam, bao gồm Mitsubishi Xpander, Toyota Corolla Cross hay Hyundai Creta. Trong đó, Mitsubishi Xpander là trường hợp khá đặc biệt. Bởi cho dù được phân phối tại Việt Nam với hai phiên bản lắp ráp nội địa (CKD) và nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), nhưng lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể: năm 2022, lượng xe Mitsubishi Xpander tiêu thụ tại Việt Nam đạt 21.983 xe thì có 21.238 xe nhập khẩu, chiếm 96,6%.

Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta cũng là hai mẫu xe nhập khẩu có lượng bán ra tốt trong năm 2022. Với mức tiêu thụ lần lượt đạt 21.473 xe và 12.096 xe, Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta đều góp mặt trong TOP 10 ôtô được ưa chuộng nhất tại Việt Nam năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023.

Trong khi lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh, thì sản lượng xe nội địa lại đi xuống. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý I/2023, ước tính khoảng 81,9 nghìn ôtô các loại đã được xuất xưởng từ các nhà máy nội địa, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, lượng ôtô sản xuất nội địa vẫn trội hơn số xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho ôtô nội địa đã thúc đẩy lượng tiêu thụ dòng xe này tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022, góp phần kích thích hoạt động sản xuất của các dây chuyền lắp ráp ôtô trong nước. Nhất là trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng ô tô lắp ráp trong nước luôn vượt trội xe nhập khẩu. Thậm chí, lượng ôtô nội địa xuất xưởng luôn vượt mức 30 nghìn xe/tháng trong nửa đầu năm 2022. Thậm chí còn đạt đỉnh vào tháng 5/2022 với 44 nghìn xe xuất xưởng. Vì thế, khi chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho ôtô nội địa không còn, sức mua trên thị trường có dầu hiệu trầm lắng khiến lượng ô tô nội địa xuất xưởng giảm mạnh.

Tuy vậy, do có không ít mẫu xe đã chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp nội địa trong thời gian gần đây, nên sản lượng xe sản xuất trong nước dù sụt giảm, nhưng vẫn luôn cao hơn lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, Toyota Veloz Cross và Toyota Avanza Premio nội địa đã ra mắt khách hàng từ cuối năm 2022.

Xu hướng chuyển sang sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu được dự báo sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Hiện tại, Hyundai Stargazer nhập khẩu cũng đang được đại lý ưu đãi mạnh tay nhằm dọn kho chờ bản lắp ráp. Thaco cũng thông báo hợp tác cùng BMW để lắp ráp các dòng BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series tại nhà máy ở Việt Nam. Cùng với đó, nhiều khả năng Hyundai Creta sẽ trở thành ôtô nội địa trong thời gian sắp tới thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia như hiện tại.

Dù vẫn lấn lướt ô tô nhập khẩu, song dường như năng lực sản xuất hiện tại chưa tương xứng với tổng công suất lắp ráp theo thiết kế của các nhà máy ôtô tại Việt Nam. Bởi theo Bộ Công thương, tính đến hết năm 2022, tổng công suất lắp ráp của các nhà máy ôtô tại Việt Nam theo thiết kế đạt khoảng 755 nghìn xe/năm. Vì thế, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự khi phần lớn chỉ mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Bằng chứng là dây chuyền sản xuất ôtô tại Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ gồm 4 công đoạn chính: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Thêm nữa, giá bán ô tô ở Việt Nam cũng đắt gấp gần hai lần Thái Lan và Indonesia, thậm chí còn cao hơn các nước có ngành công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ hay Nhật Bản.

Đó là những thách thức không nhỏ với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể để duy trì tốc độ phát triển đã đạt được trong năm 2022 và hướng đến sự phát triển bền vững nhằm duy trì vị thế là một trong 4 thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á với mức tiêu thụ vượt trên nửa triệu chiếc mỗi năm. Có như vậy, chúng ta mới có thể thu hút các nhà sản xuất ô tô thế giới không chỉ hiện diện bằng hình thức kinh doanh nhập khẩu mà còn đặt nhà máy lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng nhân lực và khai thác tiềm năng doanh số của thị trường.