Ô tô ngoại nhập tăng tháng thứ 3 liên tiếp, dù sắp đến tháng Ngâu
Lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 7/2024, bất chấp sức mua chững lại do tâm lý chờ được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ cũng như ngại mua xe trong tháng Ngâu của người Việt Nam. Đây là tháng tăng thứ 3 liên tiếp và cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2024. Trong khi đó, lượng xe lắp ráp trong nước lại quay đầu đi xuống.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, thị trường ô tô Việt Nam tháng 7 tiếp nhận khoảng 44.400 xe mới, bao gồm xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, tăng 1,1% so với tháng 6. Điểm khiến giới phân tích và người dùng lưu tâm là tỷ lệ giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có sự thay đổi.
Cụ thể: Trong tháng 7/2024, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 27.400 chiếc, giảm 2,1% so với liền trước, cho dù vẫn tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 172.200 chiếc, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trái ngược với xu hướng giảm nhẹ của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu lại tăng trưởng khá. Trong tháng 7/2024, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã đưa về Việt Nam khoảng 17.000 ô tô các loại với giá trị kim ngạch đạt 337 triệu USD. So với tháng 6/2024, ô tô nhập khẩu trong tháng 7 tăng 7% về lượng và 8,7% về giá trị.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ước đạt 91.585 chiếc với giá trị 1,888 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và 0,7% về giá trị. Giá trị trung bình đơn chiếc của ô tô nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 là 20.600 USD/chiếc (tương đương 520 triệu đồng/chiếc), giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này phản ánh xu hướng ưu tiên đưa về nước những dòng xe bình dân có giá trị thấp của các nhà nhập khẩu ô tô.
Xu hướng ưu tiên ô tô nhập khẩu của người dùng tại Việt Nam được lý giải là do nhiều mẫu xe nhập khẩu được ưu đãi, giảm giá hấp dẫn hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Thêm nữa, ô tô nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng về mẫu mã, thương hiệu và kiểu loại, trong khi giá bán lại hợp lý hơn, nhất là xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia… do được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Ngoài ra, tâm lý chờ hưởng ưu đãi phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của người dùng cũng khiến lượng tiêu thụ của dòng xe này chậm lại trong 3 tháng trở lại đây.
Điều đó phần nào lý giải vì sao các mẫu xe ngoại đang chiếm ưu thế trước ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước trong cuộc đua giành danh hiệu xe bán chạy nhất Việt Nam năm 2024. Hiện tại, hai mẫu xe chiếm ưu thế trong cuộc đua này đều thuộc về xe ngoại. Thậm chí, cách biệt về doanh số giữa hai mẫu xe ngoại dẫn đầu với hai mẫu xe nội đứng kế tiếp rất lớn, trên dưới 50%. Không chỉ có vậy, ngoại trừ dòng xe sedan hạng B, ô tô nhập khẩu cũng chiếm ưu thế và dẫn trước xe sản xuất, lắp ráp trong nước ở cả các phân khúc đang nhận được sự quan tâm của người Việt như SUV đô thị, MPV và bán tải. Với cả dòng xe hybrid cũng vậy.
Người Việt có xu hướng ưu tiên chọn xe ngoại nhập khiến các nhà sản xuất và kinh doanh xe lắp ráp trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2024. Nhất là khi những ưu thế hiện có của ô tô nhập ngoại đang được các doanh nghiệp nhập khẩu khai thác triệt nhằm gia tăng sức ép cạnh tranh lên dòng xe lắp ráp trong nước.