Những con số “biết nói” trong lịch sử ngành ôtô
Trong ngành công nghiệp ôtô, những con số tưởng đơn giản nhưng đằng sau đó là cả câu chuyện cần kể lại. Hãy cùng điểm lại những dấu ấn trong lịch sử làng xe hơi qua những con số ý nghĩa.
37435 (1885)
Karl Benz - kỹ sư cơ khí người Đức - chế tạo thành công chiếc xe hơi đầu tiên vào năm 1885 có tên gọi Benz Patent Motor Car. Tháng 1/1886, ông đăng ký bảo hộ cho “chiếc ôtô sử dụng động cơ xăng đầu tiên” và nhận được bằng sáng chế số 37435 từ các nhà chức trách.
Sở hữu thiết kế của một chiếc xe ba bánh với hai chỗ ngồi, mẫu xe của Karl Benz được trang bị một động cơ xy-lanh đơn 4 thì, sản sinh công suất chưa đầy… 1 mã lực.
15 (1895)
Giải đua xe đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào tháng 6/1895 tại Pháp khi các “tay đua” phải hoàn thành cung đường từ Paris đến Bordeaux và quay trở lại. Chiến thắng thuộc về Emile Levassor với khoảng thời gian 49 giờ đồng hồ cho quãng đường 1.210km. Góp phần đem đến chiến thắng của ông là chiếc Panhard et Levassor sử dụng động cơ 2 xy-lanh của Daimler. Phương tiện đạt vận tốc trung bình 15mph (24km/h).
825 (1909)
Model T - mẫu xe huyền thoại của Ford - có giá bán khởi điểm 825 USD vào năm 1909 (tương đương 21.381 USD năm 2017).
Những lợi thế từ sản xuất số lượng lớn cho phép nhà sản xuất ôtô của Mỹ giảm giá Model T trong những năm sau đó và xuống mức thấp kỷ lục 260 USD vào năm 1925.
5.000 (1913)
Lấy cảm hứng từ các nhà máy đóng gói thịt ở Chicago, Henry Ford “khai trương” dây chuyền sản xuất quy mô lớn đầu tiên của ngành công nghiệp vào năm 1913. Nhờ công nghệ mới và tính chuyên môn hóa, thời gian lắp ráp 5.000 phụ tùng cho chiếc Model T chỉ bằng 1/8 so với trước.
1.372 (1923)
Tháng 5/1923 đánh dấu lần đầu tiên, 24 Hours of Le Mans - một trong những giải đua lâu đời nhất hành tinh - được tổ chức tại Le Mans (Pháp). Để hoàn thành “nhiệm vụ”, các đội đua phải trải qua 24 giờ chạy xe liên tục, mỗi tay đua cầm lái ít nhất 2 giờ liên tiếp mới được đổi người.
44 (1936)
Sau khi ra mắt xe tải diesel, Mercedes-Benz yêu cầu các kỹ sư của hãng áp dụng công nghệ tương tự trên một mẫu xe du lịch và kết quả là sự ra đời của động cơ 2.6L 4 xy-lanh công suất 44 mã lực tại số vòng tua 3.000 vòng/phút. 260D trở thành mẫu xe du lịch đầu tiên được cung cấp sức mạnh bởi một động cơ diesel. Phương tiện đã có màn ra mắt tại Triển lãm Ôtô Berlin 1936.
12 (1944)
Cuộc chiến tranh thế giới thứ II dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu trên khắp châu Âu. Một số lái xe chọn điều chỉnh cách lái, trong khi những người khác tìm đến các dạng nhiên liệu thay thế. 12% xe du lịch và 58% xe tải đăng ký tại Pháp vào tháng 1/1944 sử dụng khí gas sản xuất từ gỗ.
12.000 (1955)
Citroën khiến công chúng phải “choáng váng” khi vén màn mẫu DS tại Triển lãm Ôtô Paris 1955. Thiết kế đậm chất lương lai giúp phương tiện trở nên nổi bật và không “đụng hàng”. Các tài liệu của công ty tại thời điểm đó quảng cáo xe sở hữu hệ thống treo thủy lực khiến người ngồi có cảm giác như đang lơ lửng trên không.
DS đem về cho Citroën 755 đơn đặt hàng chỉ sau 45 phút ra mắt và tăng lên con số 12.000 đơn trong ngày đầu tiên diễn ra triển lãm.
1,4 tỷ (1962)
Thập kỷ 60 là giai đoạn “bùng nổ” của các nhà sản xuất ôtô Mỹ. Năm 1962, General Motors (GM) đạt lợi nhuận sau thuế 1,4 tỷ USD, vượt qua tất cả các công ty tư nhân khác trong cùng thời điểm.
30 (1964)
Công nghệ định vị không còn xa lạ trên các dòng xe hiện nay. “Tổ tiên” của GPS được Ford đưa lên Aurora concept vào năm 1964. Hệ thống bao gồm một tấm bản đồ giấy cùng ký tự hình dấu cộng có khả năng tự động điều chỉnh để hiển thị vị trí của phương tiện.
202,6 (1987)
Năm 1986, Porsche 959 Touring đạt vận tốc tối đa 195mph (314km/h), thiết lập kỷ lục về tốc độ của xe thương mại. Một năm sau đó, Ferrari F40 vượt qua và trở thành chiếc xe đầu tiên chinh phục 200mph (tức 322km/h), trước khi đạt vận tốc lớn nhất 202,6mph (326km/h). Sau này, Jaguar XJ220, McLaren F1 hay Bugatti Veyron là 3 trong số những đối thủ đã “đánh bại” F40 trong các cuộc thi tốc độ.
1.661.738 (1991)
Theo thống kê từ Bộ Tư pháp Mỹ, số lượng các vụ trộm xe tại quốc gia này lên đỉnh điểm 1.661.738 vụ vào năm 1991. Sau khi có dấu hiệu đi xuống vào những năm 1990, con số bắt đầu tăng trở lại kể từ năm 2015. Chỉ tính riêng năm 2017, người dân Mỹ báo cáo 765.484 chiếc xe “không cánh mà bay”.
621 (1994)
Mercedes-Benz là hãng xe tiên phong về công nghệ tự lái. Thương hiệu “ngôi sao bạc” bắt đầu nghiên cứu cách thức giúp phương tiện có thể tự vận hành vào năm 1986. Đến năm 1994, một mẫu xe tự lái thử nghiệm được phát triển dựa trên W140 S-Class đã hoàn thành quãng đường 621 dặm (gần 1.000km). Phương tiện có thể thực hiện các thao tác như chuyển làn, thậm chí vượt lên trước các xe khác và đạt vận tốc tối đa 129km/h.
109.000 (2006)
Tháng 7/2006, một startup của Mỹ có tên gọi Tesla Motors “trình làng” mẫu xe đầu tiên trong một sự kiện được tổ chức tại sân bay Santa Monica. Do không đủ kinh phí để phát triển một chiếc xe mui trần hoàn toàn mới, Tesla đã quyết định bắt đầu với bộ khung của Lotus Elise. Chiếc Roadster thế hệ đầu tiên đạt công suất 288 mã lực cùng phạm vi hoạt động 395km.
Mức giá 109.000 USD được đánh giá là một sự mạo hiểm đối với công ty chưa từng chế tạo ôtô. Mặc dù vậy, trong chưa đầy một tháng cũng có 100 chiếc Roadster được bán ra.
3.039.122 (2014)
Volvo P1800 1966 của Irvin Gordon giữ kỷ lục chiếc ôtô chạy quãng đường dài nhất thế giới. Xe của ông vượt mốc 3 triệu dặm (hơn 4,8 triệu km) trên công tơ mét vào tháng 9/2013 và 3.039.122 dặm (4,9 triệu km) vào năm 1994.
Irvin Gordon mua chiếc xe P1800 với số tiền 4.150 USD, tương đương 31.373 USD ngày nay và gần bằng tiền lương giáo viên cả năm của ông tại thời điểm đó.