Những mẫu xe thành công trong lịch sử AMG

Hiện nay, những mẫu xe thương mại thể thao có hiệu suất cao nhất của hãng xe Đức có biểu tượng logo ngôi sao ba cánh đều gắn mác Mercedes-AMG. Các phiên bản AMG đảm nhận vai trò cạnh tranh với đối thủ truyền thống của BMW dòng M. Giờ đây, AMG đã là thương hiệu con của Mercedes-Benz. Nhưng ít người biết đến duyên phận của AMG trước đó là tình yêu với xe thể thao của hai chàng kỹ sư từng làm việc trong nhà máy của Mercedes.

 
Mercedes-AMG GmbH, thường được biết đến với tên gọi AMG, hiện là phân hiệu thể thao hiệu suất cao của Mercedes-Benz, có trụ sở chính tại Affalterbach, Baden-Württemberg, Đức.
 
 
Trước đó, AMG là công ty kỹ thuật độc lập chuyên phát triển các mẫu xe thể thao của Mercedes do hai kỹ sư của Mercedes là Hans-Werner Aufrecht và Erhard Melcher thành lập. Họ đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tùy chỉnh những chiếc Mercedes nhằm nâng cao hiệu suất phục vụ cho các cuộc đua.
 
Sau đó, AMG phát triển mạnh mẽ khiến Aufrecht và Melcher quyết định bỏ việc tại Mercedes vào năm 1967 để theo đuổi niềm đam mê. Họ chuyển về nhà xưởng mới và đặt công ty tại quê nhà của Aufrecht Grossaspach. Thành công đầu tiên đáng nhớ nhất của hai chàng kỹ sư là vào năm 1971 khi mẫu xe đua Mercedes 300 SEL AMG có biệt danh “Red Pig” được tùy chỉnh công suất đạt 428 mã lực, vượt qua các đối thủ lớn khác để giành vị trí Á quân trong giải 24 Hours of Spa.
 
 
Sau thành công đó, trong giai đoạn 1976-1986, những đơn đặt hàng nườm nượp đến với nhà xưởng cũ kỹ của Hans-Werner Aufrecht và Erhard Melcher. Công ty nhanh chóng phát triển và chuyển đến địa điểm mới rộng rãi hơn. Thành công lớn nhất của AMG trong giai đoạn này là chiếc “The Hammer" phát triển trên nền tảng Mer 300E động cơ V8 5.6L công suất cực đại 380 mã lực, cho phép xe đạt tốc độ tối đa 305 km/h.
 
 
Năm 1991, AMG và Mercedes chính thức hợp tác với nhau. Khi các kỹ sư của AMG được Mercedes giao trách nhiệm phát triển phiên bản hiệu suất cao của các mô hình được chọn, trong đó có dòng saloon C-Class. Kết quả của sự hợp tác này là C63 AMG 1993 trang bị động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng cho công suất cực đại 272 mã lực.
 
Mercedes AMG E55
 
Sáu năm sau thành công của C63 và E55 AMG, chúng đã thành các phiên bản thương mại được bán rộng rãi trên thị trường. Mercedes đã quyết định mua 51% cổ phần của AMG. Để rồi, AMG chính thức thành phân hiệu của “người khổng lồ” Mercedes vào năm 2005.
 
 
Khi thuộc sở hữu của Mercedes, AMG đảm nhận vai trò nâng cấp hiệu suất các động cơ nguyên mẫu của Mercedes. Năm 2006, động cơ đầu tiên gắn mác Mercedes-AMG là dòng V8 6.2L. Cũng trong năm đó, Mercedes tung ra chiếc SLK 55 AMG Black Series 400 mã lực, được thiết kế cho những người tìm kiếm phiên bản “an toàn” hơn của SLK 55 AMG khi chiếc xe được giới hạn tốc độ tối đa gần 250 km/h.
 
 
Không chỉ cung cấp động cơ cho các mẫu xe hiệu suất cao của Mercedes, AMG cũng cung cấp động cơ tương tự chiếc AMG V12s cho siêu xe Ý Pagani. Aston Martin cũng mong muốn những mẫu xe của hãng mang sức mạnh của AMG.
 
 
Sau đó, AMG trở nên rối loạn bởi thiếu kế hoạch phát triển khiến nhãn hiệu AMG bị chìm lắng trong thời gian dài. Các mẫu G-Wagen của Mercedes không thành công như mong đợi. Với giá bán hơn khoảng 290 nghìn USD cho một chiếc xe thể thao địa hình thân liền khung dẫn động 4x4 phong cách cổ điển, người mua có thể sở hữu chiếc xe thể thao gắn động cơ V8 mất 5,4 giây để đồng hồ tốc độ tăng từ 0-100km/h.
 
 
Sau 4 năm mờ nhạt, Mercedes cùng AMG đã trở lại với chiếc Mercedes SLS với đặc trưng cửa mở cánh chim, trang bị động cơ V8 6.2L cho công suất cực đại 563 mã lực vào năm 2010.
 
 
Siêu xe mới nhất có gắn logo Mercedes-AMG là chiếc GT trang bị động cơ V8 4.0L tăng áp kép. Các phiên bản đua và GT3 vừa có mặt tại Geneva Motor Show 2015. Với “thế lực” của Mercedes-Benz, AMG hứa hẹn sẽ là đối thủ đáng gờm của Porsche, BMW M…

Tin tổng hợp

otoxemay.vn