Tương lai, xe Tesla có thể được làm từ chai nhựa
Nguồn nước tại Flint, Michigan (Mỹ) vẫn rất độc hại đối với các cư dân ở thành phố này. Tuy nhiên, một nhà cung cấp phụ tùng xe hơi đã tìm ra cách biến “cuộc khủng hoảng” thành một cơ hội kinh doanh.
Trong thời gian qua, để tránh sử dụng nguồn nước độc hại, người dân sinh sống trong thành phố buộc phải dùng nước đóng chai cho các mục đích sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, tắm gội. Hậu quả là rất nhiều vỏ chai nhựa bị bỏ đi.
Mới đây, nhà cung cấp phụ tùng C3 Ventures đã thông báo các kế hoạch di chuyển một cơ sở từ Trung Quốc sang Flint để thực hiện mục tiêu “biến” các vỏ chai nước thành phụ tùng bằng nhựa sử dụng trên xe hơi. Công ty dự kiến sẽ đầu tư 9,68 triệu USD, bao gồm tiền thuê 380 nhân lực và chi phí dành cho khu phức hợp rộng hơn 12 nghìn mét vuông ở phía Bắc thành phố.
Để thực hiện kế hoạch này, Quỹ chiến lược Michigan đã phê duyệt khoản vay 5,7 triệu USD. Điều đặc biệt, số nợ sẽ được chuyển thành tiền tài trợ nếu như cơ sở đạt được chỉ tiêu tạo ra 380 việc làm mới.
Bob Waun, CEO của C3 Venture, cho hay: “Chúng tôi sẽ tiến hành tái chế những chai nhựa đã được tích tụ thành những đống phế liệu khổng lồ để sản xuất các phụ tùng khác nhau cho xe hơi”.
Giữa bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn để bảo vệ môi trường, các hãng xe càng có xu hướng sản xuất xe “xanh”, nghĩa là sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hoặc sử dụng công nghệ tái chế. Một hãng ô tô khác của Mỹ là Ford đã có ý tưởng táo bảo là sử dụng cà chua để chế tạo một số bộ phận trên xe như hộc đựng đồng xu hay khung dây. Trong khi đó, tại GM, các kỹ sư vật liệu đã dùng thảm tái chế để làm đệm tay nắm cửa bên trong xe và vải vụn để làm lót trần xe. Không chịu thua kém, Chrysler cũng tận dụng sợi kim loại phế thải từ các nhà máy sản xuất thảm để chế tạo ra một loại nhựa có độ bền cao dùng trong phụ tùng động cơ ở một số sản phẩm của mình.