Tung quảng cáo động chạm đến tình dục, đại lý Toyota Úc bị chê đùa vô duyên

Hầu hết mọi người đều thích sự hài hước và thú vị trong các chiêu thức quảng cáo, nhưng một khi đùa kém duyên và không tinh tế sẽ trở thành quá lố và dễ phải trả giá đắt. Một đại lý của Toyota ở Tây Úc đã bị phản ứng mạnh mẽ vì bị cho là đùa nhạt khi tung ra tờ quảng cáo tưởng chừng như sẽ giúp nơi này “lên như diều gặp gió”, hóa ra lại tơi tả trong “bão” chỉ trích khi động chạm đến vấn đề lạm dụng tình dục tuổi vị thành niên.

Xuất hiện trong tờ quảng cáo là hình ảnh chiếc HiLux màu trắng của hãng xe Nhật với giá 28.900 USD. Để làm nổi bật những tính năng của chiếc xe được trang bị động cơ diesel 4x4, đại lý này quyết định dùng đến một hình ảnh liên tưởng được vị đại diện cho là “thú vị” với dòng chữ: “Rolf Harris tìm kiếm được một công việc giữ trẻ còn dễ hơn việc chúng ta tìm thấy một ví dụ nào khác tốt hơn chiếc xe này”. Kèm theo bên dưới là liệt kê chi tiết những điểm nổi trội của chiếc xe để nhấn mạnh nổi trội về động cơ, tốc độ và sự bền bỉ của mẫu xe bán tải này.
 
Thế nhưng, thay vì chú ý vào cái tốt của sản phẩm thì người xem lại “ngứa mắt” với câu ví von quá lố mà Tổng giám đốc bán hàng - đại lý của Toyota ở Kalgoorlie - cho là “thú vị và vui vẻ”. Nhiều người có thể chưa biết Rolf Harris là ai, nhưng đặc biệt với người dân Úc và Anh thì hẳn khó ai quên được ngôi sao truyền hình 84 tuổi đã gây chấn động làng giải trí với bản tuyên án gần 6 năm tù giam cho 12 tội danh lạm dụng tình dục. Thậm chí, người này còn “không tha” cho người bạn thân nhất của con gái mình, cô bé mới chỉ 13 tuổi.
 
Rolf Harris – người vừa bị kết án gần 6 năm tù giam vì lạm dụng tình dục 4 cô gái trẻ
 
Quảng cáo ban đầu xuất hiện trên một tờ báo địa phương Kalgoorlie Miner từ đầu tháng. Và dần dần, nó trở thành tiêu điểm của các trang mạng xã hội. Phần đông người dùng đều có chung ý kiến như Angela Walsh-Edgar trên Twitter: @Toyota_Aus thật hết chỗ nói. Hài hước chẳng thấy đâu mà chỉ thấy quá lố!
 
Ngay lập tức, Toyota nhanh chóng tuyên bố đã yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo. Nhưng không may, ở giữa cái thời đại chia sẻ, mọi “tật xấu” đều được lưu trữ vĩnh viễn, trừ khi xuất hiện người có đủ quyền năng để can thiệp toàn bộ các hệ thống toàn cầu để xóa hoàn toàn dấu vết, còn không thì mọi thứ như vết sẹo nhỏ, dù có dùng bao nhiêu mỹ phẩm cũng vẫn để lại dấu tích.
 
Thế mới thấy, dù quảng cáo gây sốc thường tạo ra ấn tượng sâu đậm, nhưng nếu không đủ tinh tế, tính đến cả yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế và tâm lý đám đông thì nó rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, vẫn được bàn tán đến nhưng theo chiều hướng xấu.
 
Có lẽ đó cũng là một cách quảng cáo thành công khi tên sản phẩm được lưu tự động vào tâm trí nhiều người và lan truyền sâu rộng? .