Mục sở thị quy trình sản xuất Pin Blade của BYD tại Trùng Khánh

BYD xuất phát là một công ty sản xuất pin có khả năng sạc lại được thành lập từ năm 1995 tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Bởi vậy, qua 30 năm nghiên cứu và phát triển không ngừng với 30.000 bằng sáng chế đã được công nhận, công nghệ pin Blade của hãng đã đạt được những tính năng ưu việt nổi trội, giúp BYD trở thành hãng xe năng lượng mới với hơn 3,02 triệu xe bán ra thế giới.

Sản xuất Blade Battery – một trong những cốt lõi thành công của BYD

Vào những ngày cuối tháng 9/2024, đoàn truyền thông Việt Nam đã có dịp đến thăm quan nhà máy FinDreams Battery tại quận Bình Sơn, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Nhà máy toạ lạc trên diện tích khoảng 1 triệu m2 và hiện có khoảng 17.000 nhân viên làm việc ở đây. Đến thăm nhà máy, chúng tôi được quan sát toàn bộ dây chuyền sản xuất pin Blade với nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn cao với nhiều trang thiết bị do BYD tự nghiên cứu phát triển. Chẳng hạn, các hạt bụi mịn 5 micron không vượt quá 29 hạt/m3, độ ẩm tổng thể luôn duy trì ở mức dưới 1%, nhiệt độ môi trường luôn ở mức 25oC. Tại các dây chuyền sản xuất không mấy khi xuất hiện nhân viên điều khiển vận hành.

Nhà máy hiện có 18 cơ sở sản xuất và 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển, tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Viện nghiên cứu FinDreams Battery hiện có hơn 400 tiến sĩ đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, hơn 7.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển và hơn 6.600 đơn xin cấp bằng sáng chế, hiện đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu vật liệu, phát triển cell pin và tích hợp thông minh. Hàng năm, BYD thường dành 7% lợi nhuận nhằm đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ pin.

Từ năm 2020, pin Blade được sản xuất tại nhà máy FinDreams Battery, mỗi ngày có khoảng 12.000 cell pin được xuất xưởng.

Năng lực sản xuất của nhà máy FinDreams Battery đạt 200 GWH vào năm 2022, dự kiến theo kế hoạch phát triển và mở rộng sẽ đạt khả năng sản xuất 550 GWH vào năm 2025. Hiện tại, nhà máy đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Pin 3C Battery (sử dụng cho các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, laptop, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh), pin Power (dùng cho xe năng lượng mới), pin lưu trữ năng lượng và pin dùng cho các ngành công nghiệp mới trong lĩnh vực máy móc.

Quá trình sản xuất pin Blade gồm 8 giai đoạn chính:

  • Trộn bùn anode: Các vật liệu cần thiết gồm graphite, nước siêu tinh khiết, chất kết dính dẫn điện và các chất kết dính khác được đưa vào máy để trộn, lọc và khử từ.
  • Phủ: Hỗn hợp sau khi được trộn sẽ chuyển sang giai đoạn phủ. Lò nung của FinDreams Battery là lò nung dài nhất châu Á với chiều dài lên đến 70 m. Trong quá trình phủ, hệ thống camera CCD với độ chính xác cao sẽ kiểm qua và nhận biết được độ dày của toàn bộ các đường điện cực.
  • Cán: Giai đoạn này giúp xử lý tình trạng biến dạng của vật liệu graphite sau khi nung. Quá trình cán được thực hiện trong 2 lần để đạt được độ dày tiêu chuẩn 128 µm.
  • Xếp chồng: Các cell pin được sắp xếp chồng lên nhau để tạo thành một bộ pin hoàn chỉnh.
  • Lắp ráp: Sau khi đã hoàn tất việc xếp chồng, bộ pin sẽ bắt đầu được lắp ráp. Các quy trình trong giai đoạn lắp ráp gồm hàn, bọc và luồng pin vào vỏ. Khi đã hoàn thành, cell pin sẽ được kiểm tra rò rỉ bằng Helium.
  • Nung nóng: Pin sẽ được nung trong 6-8 giờ ở nhiệt độ 100oC để loại bỏ độ ẩm dư thừa bên trong cell pin.
  • Bơm chất điện phân: Chất điện phân được bơm vào các cell pin và bịt kín bằng đinh cao su.
  • Kiểm tra: Đây là bước cuối cùng để đảm bảo tất cả sản phẩm pin Blade được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn.

Pin Blade làm từ sắt, phốt-pho, graphite và nước siêu tinh khiết nên có chi phí rẻ hơn pin lithium-ion vì không sử dụng các kim loại hiếm như cobalt hay nickel… Chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy bộ pin Blade của mẫu BYD HAN. Mỗi cell pin là một khối dẹt hình chữ nhật với độ dày chỉ 1,25cm với hai loại ngắn và dài. Cell pin dài khoảng 96cm, có trọng lượng khoảng 2,6 kg, trong đó, có khoảng 155 lá đồng, nhôm. Một khối pin BYD HAN có 178 cell pin, tổng công suất 78,4 kWh. Dựa theo các thử nghiệm đã thực hiện, bộ pin này vẫn có thể đạt mức lưu trữ năng lượng trên 90% sau 120.000 km vận hành hoặc sau 300-500 lần sạc và xả. Tùy khối lượng và kích cỡ mà pin Blade mỗi lần sạc đầy có thể di chuyển đến 1.000km.

Trước đó, đoàn truyền thông Việt Nam cũng đã đến thăm quan trụ sở chính của BYD tại Thâm Quyến, nơi luôn nhộn nhịp với hơn 30 đoàn khách thăm quan mỗi ngày. Chúng tôi được xem trực tiếp bài thử nghiệm độ bền của pin Blade khi bị đâm xuyên qua mà không phát nổ hay bốc cháy để chứng minh sự an toàn cao của công nghệ pin BYD.

SkyShuttle sử dụng pin Blade-phương tiện di chuyển xanh

Sau khi đi thăm nhà máy, đoàn chúng tôi được trải nghiệm hành trình trên BYD SkyShuttle. Những chiếc tàu con thoi chạy trên cao này được phát triển với mục tiêu giải quyết tình trạng tắc nghẽn đô thị, kết hợp giữa công nghệ ôtô và công nghệ đường sắt, mang đến nhiều ưu điểm nổi bật như an toàn, linh hoạt, thông minh, ít tiếng ồn…

Mỗi toa tàu SkyShutte tiêu thụ lượng điện khoảng 0,5 kWh/km, tương đương 13% mức tiêu thụ điện trung bình của ngành. SkyShuttle được trang bị pin Blade sạc nhanh tại các trạm. Tùy thuộc vào nhu cầu, SkyShuttle có thể linh hoạt thay đổi số lượng toa tàu từ 2 đến 8 toa một cách nhanh chóng, mỗi toa tàu chứa được khoảng 70 hành khách và vận hành hoàn toàn tự động. 

Sau 7 năm phát triển với chi phí đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, SkyShuttle đã được triển khai tại nhiều khu vực trong và ngoài Trung Quốc. Hiện tại, SkyShuttle đang được vận hành ở các thành phố như Ngân Xuyên, Trùng Khánh, Thâm Quyến…

Tại Thành phố Trùng Khánh, hệ thống SkyShuttle của BYD có tổng cộng 15 nhà ga với tổng chiều dài 15,4 km. Hệ thống được kết nối với ga tàu điện ngầm Bích Sơn và ga tàu cao tốc Thành Đô - Trùng Khánh.

Dự định trong tương lai gần của BYD tại thị trường Việt Nam

Tại cuộc gặp gỡ đoàn truyền thông Việt Nam tại trụ sở BYD một ngày trước khi đi thăm nhà máy FinDream Battery, ông Liu Xueliang, Tổng Giám đốc BYD Auto châu Á- Thái Bình Dương, chia sẻ: BYD mong muốn được đưa những sản phẩm “đặc trưng” nhằm phát triển giao thông công cộng tại Việt Nam như xe bus, xe taxi, tuy nhiên, vì nhiều lý do chưa thực hiện được nhưng BYD chưa bao giờ từ bỏ ý định này. Hai năm trước, hãng đã thấy tín hiệu phát triển xe năng lượng mới tại Việt Nam rất tốt thông qua sự phát triển tích cực của VinFast. Vị Tổng Giám đốc cũng bày tỏ sự cảm ơn VinFast vì đã giúp Việt Nam có tỷ lệ sử dụng xe năng lượng mới cao nhất trong khu vực.

Vì vậy, sau một năm chuẩn bị và lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp Việt Nam cùng các nhà phân phối, BYD quyết định có mặt tại thị trường này vào ngày 18/7/2024. BYD muốn dựa vào năng lực của nhà phân phối để xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp tại thị trường Việt Nam. Hãng muốn đưa các sản phẩm và kỹ thuật vào Việt Nam để phát triển lâu dài cũng như định hướng xu hướng phát triển xanh tại đây. Trong quá trình đưa các mẫu xe năng lượng mới về Việt Nam, BYD muốn tạo cơ hội cho người dùng Việt trải nghiệm xe và hy vọng giúp Việt Nam cùng đứng chung trong cuộc cải cách điện khí hoá trên thế giới.

Với những khó khăn về trạm sạc, CEO của BYD tại Việt Nam, ông Võ Minh Lực cũng khẳng định là BYD không đầu tư trạm sạc mà chỉ thông qua các đại lý và các đối tác thứ ba để đầu tư trạm sạc. Trong thời gian tới, khi bộ quy chuẩn về trạm sạc được Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ ban hành sẽ thúc đẩy các đối tác của BYD đầu tư, tìm mặt bằng sẵn sàng xây dựng trạm sạc. Ở Việt Nam, đã có hệ thống trạm sạc của VinFast giúp thị trường xe điện phát triển nhanh. Vì thế, trong quá trình chờ đợi hình thành mạng lưới trạm sạc rộng khắp, người sử dụng xe BYD sẽ được tặng bộ sạc tại nhà hoặc đến các đại lý của hãng tại Việt Nam. Mục tiêu gần là sẽ có 30 đại lý xe BYD được hình thành trong năm nay. Đồng thời, BYD sẽ đưa hai mẫu xe hybrid của hãng về Việt Nam. Nếu kịp hoàn tất các thủ tục sẽ triển khai chạy thử hai mẫu xe Quin L DM-I và Seal 06 DM-i đi được 1.200km và rất tiết kiệm xăng, ngay trong tháng 12, từ Nam ra Bắc và ngược lại, đáp ứng những đòi hỏi chạy được đường dài của xe năng lượng mới.

Nhận định thêm về hệ thống trạm sạc, ông Liu cho biết, tại Thâm Quyến, sau 10 năm đã có 550 trạm sạc pin với 35.000 máy sạc, chứng minh số lượng trạm sạc còn nhiều hơn cả cây xăng tại đây. Thâm Quyến có 20 triệu dân nhưng thị phần xe năng lượng mới đã vượt qua con số 60%-70% nên BYD hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển xe năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngay tại Thái Lan, chỉ trong hai năm, BYD đã bàn giao hơn 50.000 xe điện nhưng hệ thống trạm sạc tại đây cũng chưa phát triển như mong muốn, nhưng nhận thức của người dân về xe năng lượng mới đã giúp cho xe điện phát triển.

Hiện tại, với Việt Nam, BYD là một thương hiệu mới, sản phẩm mới nên cần có thời gian để người dùng tại đây tìm hiểu trải nghiệm xem chiếc xe mang lại lợi ích gì cho họ, vì vậy, BYD chưa đặt mục tiêu doanh số cụ thể. Nhưng ông Liu khẳng định, BYD đi vào thị trường nào cũng xuất phát từ góc nhìn toàn diện và lâu dài để tạo nhiều vị trí việc làm cho Việt Nam, cũng như mong muốn tạo ra lối sống mới trong cộng đồng, đó chính là trách nhiệm xã hội của BYD. Được như vậy sẽ không cần mất quá nhiều thời gian thì hạ tầng cơ sở của Việt Nam cũng phát triển theo.