Vì sao các hãng xe phản đối phanh khẩn cấp tự động

Trước đề xuất trang bị phanh khẩn cấp tự động (AEB) cho tất cả mẫu xe du lịch và xe tải nhẹ để giảm thiểu tai nại của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA), các hãng xe cho rằng: Việc sử dụng công nghệ này không thực tế và quá tốn kém.

Theo Wall Street Journal, Alliance for Automotive Innovation (AAI) - nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất ôtô tại Hoa Kỳ - đã thỉnh cầu các nhà ban hành chính sách an toàn hàng đầu của Mỹ cân nhắc một số phần trước khi ban hành quy định trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) trên các mẫu xe trong tương lai mà NHTSA soạn thảo. AAI cho rằng: Yêu cầu này dường như bất khả thi và gây nhiều tốn kém không cần thiết.

Động thái này của các hãng xe cho thấy sự bất đồng giữa các nhà sản xuất ôtô và các cơ quan ban hành luật đang nỗ lực áp đặt các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn nhằm giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Theo đó, số người đi bộ thiệt mạng năm 2021 tăng 13% lên 7.342, cao nhất kể từ năm 1981.

Trước đó, các hãng xe đã đồng thuận tăng cung cấp hệ thống phanh này đến hết năm 2025. Thậm chí, 20 nhà sản xuất ô tô đã trang bị phanh tự động khẩn cấp lên hầu hết mẫu xe mà họ bán tại Mỹ vào năm 2022. Nhưng các cơ quan chính phủ Mỹ lại muốn đẩy cao các tiêu chuẩn công nghệ khiến mâu thuẫn nảy sinh. Đến cuối tháng 4/2024, NHTSA đã hoàn thiện quy định. Theo đó, yêu cầu ô tô bán ra thị trường năm 2029 phải trang bị công nghệ phanh AEB.

Yêu cầu cũng đề cập đến một số tiêu chuẩn đối với hệ thống như có khả năng dừng và tránh va chạm với xe khác ở tốc độ đến 100 km/h cũng như có khả năng phát hiện người đi bộ trong bóng tối. Các quy định mới có thể yêu cầu ôtô có khả năng tự phanh ở tốc độ đến 145 km/h khi một va chạm sắp xảy ra và ở tốc độ đến 72 km/h trước khi một va chạm có thể xảy ra với người đi bộ.

Giải thích lý do đưa ra đề xuất này, NHTSA cho rằng: Yêu cầu sẽ góp phần giảm số vụ đâm va từ phía sau cũng như va chạm với người đi bộ, cứu ít nhất 360 mạng sống/năm và ngăn ngừa ít nhất 24 nghìn trường hợp thương tổn.

John Bozzella - Chủ tịch AAI - viết trong bức thư gửi lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày 24/6 rằng: Quy định sẽ yêu cầu các hệ thống làm việc ở tốc độ cao hơn thực tế với công nghệ hiện nay. Vì thế, những yêu cầu của NHTSA có thể khiến ôtô tự phanh trước khi người điều khiển phương tiện dự kiến xảy ra. Hệ quả là tỷ lệ va chạm từ phía sau sẽ xảy ra nhiều hơn. Chủ tịch John Bozzella còn thêm rằng: Các nhà ban hành luật đánh giá thấp những thay đổi về chi phí cần đến để đáp ứng quy định mới. Điều có thể khiến giá xe tăng cao hơn.

Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) được xem là bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn tương tự như túi khí và dây an toàn. Hệ thống AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện tiềm năng va chạm với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm khác. AEB có thể cảnh báo người điều khiển phương tiện về vụ va chạm sắp xảy ra và hỗ trợ họ phanh với lực tối đa. Bên cạnh đó, AEB còn tự động phanh xe một cách độc lập trong tình huống khẩn cấp.

Hệ thống AEB có thể chia làm 3 loại chính: hệ thống phanh ở tốc độ thấp, hệ thống phanh ở tốc độ cao và hệ thống tránh va chạm với người đi bộ. Ba loại hệ thống không loại trừ lẫn nhau: Có hệ thống AEB chỉ ngăn ngừa va chạm ở tốc độ chậm, có loại kết hợp cả 3. Tùy theo nhà sản xuất và từng kiểu mẫu xe mà mỗi hệ thống khác nhau về các chức năng cảnh báo, phanh, khoảng cách kích hoạt... Dù vậy, hầu hết AEB đều cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh hay rung tay lái hoặc cả ba.