Đừng phó thác số phận cho tính năng phanh khẩn cấp tự động trên ô tô
Trước thực trạng hệ thống phanh khẩn cấp tự động không phải lúc nào cũng kích hoạt đúng lúc để ngăn ngừa va chạm, Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) đã khuyến cáo người điều khiển ô tô đừng quá tin tưởng tính năng phanh khẩn cấp tự động. Điều đó chứng tỏ công nghệ an toàn này vẫn chưa hoàn hảo, cho dù đã trải qua chặng đường dài phát triển trong nhiều thập kỷ.
Nhằm kiểm tra “chất lượng” của hệ thống phanh khẩn cấp tự động, Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) đã tiến hành thử nghiệm tính năng này trên 4 mẫu crossover được yêu thích tại Mỹ (từ phiên bản 2023) với bài kiểm tra lùi xe từ chỗ đỗ ra đường đang có phương tiện khác di chuyển đến và có một xe khác đậu liền kề, chắn tầm nhìn. Đồng thời, AAA cũng muốn kiểm tra khả năng xử lý của những xe trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động khi có trẻ con đứng im phía sau xe. Các mẫu xe mà AAA dùng để thử nghiệm, gồm có Hyundai Tucson Hybrid, Mazda CX-30, Lexus RX và Volkswagen Tiguan.
Kết quả: Hệ thống phanh khẩn cấp tự động kích hoạt trong 65% số lần chạy thử ở tình huống đầu tiên. Tuy nhiên, AAA cũng lưu ý rằng: Hệ thống chỉ ngăn được va chạm trong 2,5% số lần chạy thử nghiệm ở tình huống lùi xe khi có xe khác chạy cắt ngang.
Ở tình huống thứ hai, dường như hệ thống phanh khẩn cấp tự động của các xe tham gia bài kiểm tra cho kết quả tốt hơn. Theo đó, phanh được tự động kích hoạt trong 75% số lần thử nghiệm cùng tỷ lệ ngăn ngừa va chạm đạt 50%.
Những kết quả trên được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm cũng cho thấy tính năng phanh khẩn cấp tự động trên ô tô không hoàn hảo cũng như không thể ngăn chặn mọi tai nạn. Vì thế, ông Greg Brannon - Giám đốc kỹ thuật ô tô của AAA - khuyến cáo: Người điều khiển ô tô không nên hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống phanh khẩn cấp tự động trong việc ngăn ngừa va chạm khi lùi xe mà chỉ nên sử dụng tính năng này để tăng khả năng bao quát xung quanh và hỗ trợ lái xe an toàn. Đồng thời, người cầm lái nên lùi xe từ từ khi có vật thể che khuất tầm nhìn nhằm tạo điều kiện cho các cảm biến có thêm thời gian phát hiện xe đang đi tới.
Bên cạnh đó, yêu cầu thử nghiệm xe đối với các hệ thống này cần được cập nhật để tạo sự nhất quán, có tính đến các vật thể bất thường cũng như các tình huống thực tế hơn nhằm mang lại sự an toàn cao nhất cho người lái xe, người đi bộ và người đi xe đạp.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (Auto Emergency Braking - AEB) được cho là có khả năng ngăn chặn sớm tai nạn hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm với vật thể phía trước. Tính năng này thường được tích hợp trong gói tính năng hỗ trợ lái xe nâng cao ADAS trên các mẫu ô tô hiện đại. Tuy nhiên, với mỗi nhà sản xuất, AEB hay ADAS có thể được gọi bằng những tên khác nhau. Theo đó, Toyota đặt tên công nghệ ADAS của hãng là Safety Sense, còn Honda là Sensing hay Hyundai gọi là Smart Sense...
Phanh khẩn cấp tự động đã xuất hiện trên những mẫu xe phổ thông
Tại Việt Nam, nhiều dòng xe đã được trang bị AEB cũng như ADAS. Bởi giờ đây, phanh khẩn cấp tự động không còn là tính năng chỉ được nhà sản xuất trang bị trên những mẫu xe cao cấp, đắt tiền mà đã xuất hiện trên những mẫu xe phổ thông có giá vài trăm triệu đồng.
AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc/và camera để giám sát nguy cơ cũng như đánh giá khả năng va chạm với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm khác. Bộ xử lý sẽ tính toán và quyết định đưa ra cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh hoặc/và rung vô-lăng. Trong trường hợp tài xế không phản hồi lại cảnh báo, thì hệ thống có thể tự động phanh. |