Stunt Riding Việt Nam – Chặng đường chông gai
Còn hơn một môn thể thao, stunt riding là cả 1 nghệ thuật, 1 phong cách sống thực thụ và là 1 nét đẹp văn hóa trong nền văn hóa xe cộ, tuy nhiên ở Việt Nam, điều đó vẫn còn quá mới mẻ!
Đam mê biểu diễn trên xe 2 bánh
2 năm gần đây, khái niệm stunt không còn xa lạ trong cộng đồng chơi xe Việt, ngày càng nhiều người biết tới stunt kể từ năm 2013, khi Motul tổ chức stunt tại SVĐ Phú Thọ với sự góp mặt của nữ stunter từ giải XDL Leah Peterson. Tuy nhiên ít ai biết đến nguồn gốc của stunt cũng như những người đã ngày đêm làm việc nhằm đưa văn hóa stunt về với giới mê xe Việt Nam!
Biểu diễn trên xe 2 bánh vốn đã xuất hiện từ cách đây rất lâu, từ những năm 1855 ở nước ngoài và 1945 ở Việt Nam, các tay lái với niềm đam mê mạo hiểm đã thực hiện được những kĩ năng đến tận bây giờ vẫn còn sử dụng, tuy nhiên phải đến cuối năm 1980, stunt mới trở nên phổ biến ở trên thế giới và chính thức được ra đời và đưa vào thi đấu, trở thành một môn thể thao thực sự vào năm 1990.
Stunt không chỉ là những kĩ thuật rời rạc đơn giản mà là sự tổng hợp của hàng loạt kĩ năng theo một nhịp độ nhất định tạo thành 1 bài biểu diễn bắt mắt trong 1 khoảng sân rộng. Stunt không chỉ đòi hỏi người chơi có tiềm lực kinh tế, có sự đam mê học hỏi khám phá, có vốn kĩ năng tốt mà còn phải có sự chấp nhận, “máu liều” và kinh nghiệm nhất định. Stunt nghe thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng chơi được bởi những chấn thương hay va chạm mà stunt mang lại đôi khi rất kinh khủng!
Vấp phải định kiến xã hội
Stunt ở Việt Nam được biết đến rất sớm bởi một số cá thể nhỏ lẻ. Người khởi xướng bắt đầu vào năm 2005 trên những chiếc xe đạp cào cào 2 gióng “độ 2 tay phanh” nhằm thực hiện những kĩ năng kiểm soát bánh sau tốt hơn. Tuy nhiên với văn hóa truyền thống và góc nhìn của mọi người, những người chơi stunt ngày đó bị đánh đồng với những cụm từ như “trẻ trâu”, “phá phách”… và bị xã hội liệt vào dạng “những thành phần không tốt đẹp”, bị người đời kì thị và mặc định rằng đó là những cái không tốt cần loại bỏ. Phần đông dân tình hầu như không có khái niệm về stunt và thường hả hê trước những cú ngã mỗi khi người chơi thực hiện không đúng kĩ thuật.
Bỏ qua những định kiến và lối suy nghĩ theo kiểu "khó chấp nhận sự khác biệt", đến năm 2008, một trong số những người chơi stunt quyết tâm tiến đến một mức độ cao hơn và chuyển sang "biểu diễn" trên xe máy. Quá trình chơi của những người này bước đầu vô cùng khó khăn không chỉ là bởi suy nghĩ đánh giá khắt khe, dị nghị của xã hội, sự cấm đoán từ phía gia đình mà còn bởi phụ kiện trang bị bảo hiểm hay đồ nâng cấp cho xe không có, không được ai biết đến hay công nhận. Mọi thứ đều phải tự làm, tự tính toán đo đạc, cho đến cả những con ốc, thanh thép cũng phải tự thiết kế chính xác, tỉ mỉ xong mang ra hàng nhờ làm hộ, chưa kể ngày đó chiếc xe vẫn là tài sản có giá trị, việc va chạm hay hư hỏng khi tập gây ra rất nhiều phiền toái và rắc rối, chưa kể những chấn thương nghiêm trọng cho người chơi! Sân chơi không có, luật pháp khắt khe, đồ đạc khan hiếm, chi phí đắt đỏ cùng những chấn thương liên miên do thiếu kĩ năng đã khiến họ lần lượt bỏ cuộc và chuyển sang những môn chơi ít nguy hiểm hơn.
Ước mơ "lập dị" thành hiện thực
Tuy nhiên với đam mê cháy bỏng và không ngừng tiến tới, một trong số họ vẫn tiếp tục đi theo con đường “lập dị” này, với sự dày công tìm hiểu, trau dồi và ước muốn tha thiết một ngày được chứng kiến những màn biểu diễn tuyệt vời trên chính đất nước mình mà không phải qua màn ảnh nhỏ hay trên internet, họ đã liên hệ được với ngài Randy Grube – Người sáng lập giải stunt nổi tiếng nhất nước Mĩ XDL, vào năm 2011 và trình bày với ông về ước muốn của những người trẻ mê xe máy tại Việt Nam. Nhận được một lời cam kết sẽ cố gắng kết hợp với nhà tài trợ Motul đưa stunt về Việt Nam. Và ước mơ của những kẻ “lập dị” ngày nào đã trở thành sự thật khi Motul tổ chức stunt fest vào năm 2013. Đặc biệt, sự kiện Motul stunt fest 2015 đã có sự góp mặt của 2 stunter hàng đầu tại giải XDL là Aaron Kent Twite và H.Ogawa cùng với nữ stuner số 1 thế giới từ Pháp – Sarah Vignot “Lezito”