Đôi bạn tuổi 70 và hành trình đam mê bất tận
Ở tuổi mà nhiều người chọn nghỉ ngơi, có hai người bạn vẫn miệt mài rong ruổi trên chiếc xe côn tay, khám phá mọi nẻo đường từ đồng bằng đến biên giới. Hơn một thập kỷ rong ruổi, chiếc xe của ông Bùi Công Trường (1960) và bà Phạm Thị Bảy (1954) đã lăn bánh trên hơn 120.000 km khắp Việt Nam và Đông Nam Á. Con số ấy không chỉ tương đương ba vòng Trái Đất, mà còn kể câu chuyện về đam mê không tuổi, tình bạn bền bỉ và vô vàn trải nghiệm đáng nhớ.
Những con số không dành cho người ngại dấn thân
6 quốc gia.
8 chuyến xuyên Đông Nam Á.
12 chuyến xuyên Việt.
63 tỉnh thành.
300 địa danh.
Và hơn 120.000 km - tương đương với hành trình 03 vòng Trái Đất. Những con số ấy không phải để gây choáng ngợp, mà để chúng ta hiểu rằng có những khát khao, một khi đã bén rễ, thì tuổi tác không còn là giới hạn.
Ông Trường và bà Bảy đã có hơn 10 năm đồng hành cùng nhau trong nhiều chuyến đi xuyên Việt và Châu Á.
“Ban đầu chúng tôi chỉ đi loanh quanh các tỉnh gần TP.HCM cho vui. Nhưng rồi càng đi, càng thấy mình như mở ra thêm một phần cuộc đời. Đi riết thành ghiền”, ông Trường chia sẻ.
Mỗi chuyến đi của đôi bạn kéo dài từ 20 ngày đến 45 ngày, trải qua đủ mọi loại địa hình: Đèo núi, đường ven biển, đường đất đỏ xuyên rừng và cả những đoạn đường đất đá vùng biên đầy thử thách.
Bà Bảy tại Tháp cổ Yên Hòa - Mỹ Lý, Nghệ An trong chuyến du xuân xuyên Việt đầu năm 2025.
“Tôi nhớ nhất là chuyến đi đầu năm 2025, xuất phát từ mùng 7 Tết, kéo dài 45 ngày” bà Bảy kể. “Chúng tôi từ TPHCM lên Tây Bắc, lần đầu hoàn thành trọn vẹn cung đường mơ ước Tà Xùa - Trạm Tấu - Nghĩa Lộ. Sáng nào trời cũng lạnh run, có hôm sương dày đến mức đèn trợ sáng bật hết mà vẫn không thấy rõ đường”.
Giữa những khó khăn ấy, phần thưởng chính là những bình minh ló rạng giữa trập trùng núi non, là cảm giác “trẻ ra vài tuổi” mỗi khi đứng giữa thiên nhiên bao la, là sự yên tĩnh tại hải đăng Cửa Đại ở Hội An, Quảng Nam hay giây phút xúc động khi chạm tay vào tháp cổ Yên Hòa ở Mỹ Lý, Nghệ An đánh dấu mảnh ghép cuối cùng trong “bộ sưu tập” các ngọn tháp cổ Lào cả hai từng nhiều lần lỗi hẹn.
Kỹ lưỡng để tự do trên từng cây số
“Không có chuyến nào giống chuyến nào. Mỗi lần đi là một lần học cách sống khác. Có lúc bị lạc đường, có lúc hết xăng giữa đường. Nhưng rồi cũng qua, và mình lại có chuyện để kể” ông Trường cười hiền.
Điều đáng quý là không có sự ngẫu hứng tùy tiện trong hành trình của họ. “Nhiều người tưởng tụi tôi liều, chứ thật ra tụi tôi rất kỹ” bà Bảy nói. Bà là người lập lộ trình, tra cứu thời tiết, soạn đồ gọn nhẹ nhưng đủ đầy, không quên mang theo bộ y tế phòng bất trắc.
Còn ông Trường - người từng làm kỹ thuật chính là người chăm sóc xe. “Không ai đi đường dài chỉ bằng may mắn. Xe cũ mà chăm đúng cách thì vẫn êm, vẫn bốc. Chúng tôi thay 20 cặp lốp, dầu nhớt thì hơn 100 lít Motul 300V. Xe cũng như người, được quan tâm thì sẽ đồng hành được lâu”.
Hơn 100 lít dầu nhớt Motul 300V, 20 cặp lốp xe, trải qua hành trình khắp mọi miền tổ quốc.
Trên những cung đường tưởng đã quen, ông Trường và bà Bảy vẫn thường gặp những người bạn mới: Một đôi bạn trẻ lần đầu xuyên Việt, nhóm phượt thủ nước ngoài lạc lối ở Mộc Châu, hay những người dân bản địa chỉ đường bằng tất cả sự nhiệt tình không ngần ngại. Những lần gặp gỡ ấy như tiếp thêm năng lượng, khiến hành trình thêm trọn vẹn.
Ông Trường cùng “chiến mã” luôn đồng hành trong suốt những ngày rong ruổi.
Bên cạnh những người bạn mới, đôi bạn rong ruổi cũng truyền cảm hứng đến các tổ chức, thương hiệu, họ âm thầm đồng hành phía sau, hỗ trợ “đôi bạn” thỏa sức đam mê chinh phục mọi cung đường. Với ông Trường, chính sự hiện diện lặng lẽ, nhưng đúng lúc ấy mới là điều tạo nên ý nghĩa của hai chữ "đồng hành". Motul không chỉ là thương hiệu dầu nhớt mà còn là người bạn đồng hành giúp ông Trường - bà Bảy cùng chiến mã rong ruổi theo đuổi đam mê trải nghiệm dù ở độ tuổi nào, ở đâu hay trải qua những khó khăn nào. Motul đã trở thành lựa chọn quen thuộc của ông trong suốt hơn một thập kỷ rong ruổi. “Dù ở tuổi nào, theo đuổi đam mê chưa bao giờ là trễ. Khi ta có được một người bạn đồng hành đáng tin, hành trình nào cũng xứng đáng được bắt đầu, dù là lần đầu hay lần thứ mười một”, ông Trường cười.
Ông Trường, Bà Bảy cùng các thành viên của nhóm Võ Lâm Ngũ Bá trên những hành trình rong ruổi.
Điều khiến hành trình của ông Trường và bà Bảy chạm tới người trẻ, không chỉ là số km họ đã đi, mà là cách họ không ngừng đi, bất chấp tuổi tác, giới hạn hay định kiến. Ở độ tuổi mà người ta thường chọn an yên bên hiên nhà, đôi bạn tri kỷ lại lựa chọn niềm vui bằng cách đồng hành cùng nhau trong những buổi họp mặt của nhóm phượt Võ Lâm Ngũ Bá, cùng nhau chọn băng đèo, vượt dốc trên những cung đường xa lạ để sống trọn vẹn với thời gian còn lại.
“Mỗi năm không đi được vài chuyến là người bứt rứt khó chịu” bà Bảy chia sẻ. Còn ông Trường thì ví von: “Chừng nào còn dắt xe ra khỏi nhà được, chừng đó tụi tôi còn đi. Trời còn đẹp thì không lẽ mình không đi cho đẹp đời mình?”.
Không phô trương, không truyền thông rầm rộ, đôi bạn vẫn chia sẻ hành trình của mình lên vài hội nhóm du lịch như một cách ghi lại dấu chân. Cũng nhờ đó, họ trở thành nguồn cảm hứng âm thầm cho nhiều người trẻ về tinh thần hết mình vì đam mê. Mỗi bức ảnh đăng lên, mỗi câu chuyện kể lại trong những hội nhóm du lịch chỉ là những lát cắt nhỏ, nhưng đủ để thắp lên trong lòng người khác một câu hỏi: Nếu một đôi bạn tuổi 70 còn dám đi, dám sống, thì ta hôm nay còn chờ gì nữa?