Nhiều hãng xe Nhật Bản phải dừng giao xe vì dính sai phạm

Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản rúng động khi nhiều thương hiệu danh tiếng như Toyota, Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha dính bê bối liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm định chất lượng trước khi xuất xưởng một số dòng xe.

Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT), các sai phạm liên quan đến nhiều hành vi như gửi dữ liệu sai, viết lại phần mềm điều khiển động cơ, nhập sai báo cáo thử nghiệm, tiến hành thử nghiệm trong điều kiện không phù hợp, sửa đổi phương tiện thử nghiệm không đúng cách trong thử nghiệm va chạm. Tổng cộng có gần 40 mẫu xe bị ảnh hưởng vì dính bê bối này. Trong đó, Toyota có 7 mẫu xe có sai phạm trong hồ sơ kiểm định. Mazda có 5 mẫu xe. Honda có 22 mẫu xe. Ngoài 32 mẫu đã ngừng sản xuất vẫn còn 6 mẫu hiện dang bán trên thị trường.

Bê bối này bị phanh phui sau khi Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và cung cấp phụ tùng báo cáo các vi phạm liên quan đến quy trình cấp chứng nhận để xe có thể xuất xưởng. Yêu cầu được đưa ra xuất phát từ vụ bê bối thử nghiệm an toàn của Daihatsu, thương hiệu thuộc tập đoàn Toyota.

Tại buổi họp báo diễn ra vào ngày 3/6, ông Akio Toyoda - Chủ tịch Toyota - cho biết: Hãng đã sử dụng các phương pháp thử nghiệm khác với các tiêu chuẩn quy định. Đến nay, Toyota đã phát hiện 7 mẫu xe được thử nghiệm với các phương pháp khác so với tiêu chuẩn mà Chính phủ Nhật Bản đề ra. Đồng thời, Toyota đã tạm dừng phân phối, bán hàng hàng ba mẫu xe, gồm Corolla Fielder, Corolla Axio, RX và Yaris Cross (bản nội địa Nhật Bản). Dù vậy, hãng vẫn trấn an người dùng rằng: Những xe này không có vấn đề về hiệu suất.

Trong khi đó, Mazda cũng thừa nhận các cuộc thử nghiệm động cơ trên các mẫu xe Roadster RF và Mazda2 đã được tiến hành không đúng cách. Các lô sản phẩm liên quan đến hai mẫu xe này đã bị đình chỉ phân phối và bán hàng từ ngày 30/5. Cùng với đó, các thử nghiệm va chạm liên quan đến ba mẫu xe đã ngừng sản xuất, bao gồm Atenza, Axela và Mazda6 cũng đã bị làm sai lệch, nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Trước bê bối này, ông Masahiro Moro - Giám đốc điều hành Mazda - cam kết sẽ nỗ lực ngăn chặn những sự cố tương tự bằng cách giải quyết các vấn đề trong cuộc điều tra này, đồng thời nỗ lực khôi phục niềm tin của người dùng với thương hiệu Mazda.

Các cuộc thử nghiệm động cơ trên Roadster RF được Mazda tiến hành không đúng cách

Trong những thương hiệu ô tô Nhật Bản xuất hiện các bất thường liên quan đến hồ sơ kiểm định kiểu loại sản phẩm, Honda là nhà sản xuất có nhiều mẫu bị ảnh hưởng nhất. Hãng thừa nhận đã phát hiện hành vi nhập dữ liệu không chính xác vào các bài kiểm tra liên quan đến tiếng ồn và công suất động cơ của 22 mẫu xe đã bán ra thị trường. Các quan chức Honda cũng thừa nhận đã tiến hành các cuộc thử nghiệm không đúng cách và không lặp lại các cuộc thử nghiệm với các mẫu xe khác nhau. Ông Toshihiro Mibe - Giám đốc điều hành Honda - cho rằng: Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và gửi lời xin lỗi sâu sắc vì đã gây lo ngại cho khách hàng, đối tác kinh doanh và nhiều bên liên quan khác. Đồng thời, hãng cam kết sẽ xử lý nghiêm túc vấn đề này cũng như cố gắng ngăn chặn sự cố tương tự.

Suzuki cũng báo cáo hành vi giả mạo tương tự liên quan đến mẫu xe duy nhất Alto được sản xuất trong giai đoạn 2014 - 2017. Yamaha thừa nhận đã thử nghiệm những điểm bất thường với mẫu xe máy thể thao YZF-R1.

Hiện tại, vụ việc đang tiếp tục được điều tra. Nhiều mẫu xe thuộc diện ảnh hưởng của Honda, Mazda, Suzuki, Toyota cũng đã bị tạm dừng sản xuất, phân phối. Dù vậy, Bộ Giao thông Nhật Bản cho rằng: Những sai phạm mà các thương hiệu này mắc phải làm suy giảm lòng tin của người dùng và gây chấn động hệ thống chứng nhận phương tiện giao thông của Nhật Bản.