Ngày này năm xưa: 60 năm xe Nhật tấn công thăm dò tiên phong vào thị trường Mỹ
Ngày 9/1/1958, Triển lãm xe hơi nhập khẩu tại Los Angeles đã đưa Nissan và Toyota chính thức có mặt tại thị trường Mỹ.
Quảng cáo Toyopet Crown ở Mỹ
Ngày nay người ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của xe hơi Nhật Bản ở nhiều nơi trên toàn cầu, trong đó có nước Mỹ. Với ba hãng xe nằm trong tốp đầu của ngành công nghiệp xe hơi thế giới là General Motors, Ford và Chrysler, những tưởng các hãng xe nước ngoài khó mà chen chân vào thị trường Mỹ, thế nhưng thực tế xảy ra ngược lại. Chẳng những bán được xe tại Mỹ, các hãng xe Nhật còn lấy được tình cảm của người tiêu dùng, tạo ra một lớp khách hàng mới và thậm chí Toyota soán luôn ngôi vị hãng xe số 1 thế giới từ tay General Motors. Về lý mà nói, phải mãi tới thập niên 80, các hãng xe Nhật mới bắt đầu có nhà máy lắp ráp xe hơi ở Mỹ, song người Nhật thực ra đã nhòm ngó thị trường này từ trước đó rất lâu.
Tháng 8 năm 1957, Toyota cử ba đại diện mang theo hai mẫu xe Crown tới Los Angeles để khảo sát thị trường. Hai tháng sau, Toyota Motor Sales được thành lập tại một đại lý của Rambler ở Holywood. Toyota kỳ thực vẫn không phải thương hiệu xe Nhật đầu tiên tới Mỹ bởi chiếc Datsun – tên gọi trước đây của Nissan đã chạy trên các con đường của nước Mỹ từ năm 1953 theo kênh nhập khẩu không chính thức.
Tại Triển lãm Xe hơi nhập khẩu tổ chức tại Los Angeles ngày 9/1/1958, Nissan giới thiệu mẫu Datsun-1000, trong khi Toyota có chiếc Toyopet Crown. Mặc dù trước đó Toyota đã mở được đại lý trưng bày chiếc Toyopet Crown (Nissan mở đại lý đầu tiên vào tháng 10 năm 1958) nhưng phải sau triển lãm nói trên, Nissan và Toyota mới bắt đầu bán xe. Thành công không đến ngay như mong đợi của người Nhật. Khách hàng Mỹ vốn quen đi trên những chiếc xe khổ lớn ngang tàng của GM, Ford và Chrysler đã tỏ ra lạnh nhạt với những mẫu xe Nhật Bản công suất nhỏ vài chục mã lực nhưng giá cao (giá chiếc Toyopet là 1999 USD, tương đương 67% mức lương trung bình hàng năm ở Mỹ thời điểm đó). Ngoài ra, chẳng hạn chiếc Toyopet Crown khi chạy tới tốc độ 60 dặm/giờ (khoảng 96 km/giờ), tốc độ được coi là rất nhanh ở Nhật lúc đó, thì xe rung lắc dữ dội khiến người lái không thể nhìn thấy gì qua gương hậu. Cả Nissan và Toyota đều “vỡ trận”, chỉ bán được hơn 1000 xe cho tới năm 1960 và phải ngừng xuất khẩu sang Mỹ.
Người Nhật đã rút kinh nghiệm rất nhanh. Chỉ 5 năm sau, vào năm 1965, Toyota trở lại thị trường Mỹ với mẫu Corolla mới, còn Nissan giới thiệu chiếc sedan Sedric sang trọng. Cả hai chiếc xe đều bán rất chạy. Gần ba thập kỷ sau triển lãm năm 1958, Toyota xây dựng nhà máy đầu tiên ở Fremont, California để sản xuất mẫu Corolla cho lớp khách hàng mới trẻ trung, thích đi những chiếc xe nhỏ gọn giá hợp lý và đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu hơn xe Mỹ nhiều. Nước Mỹ khi ấy mới chịu... giật mình và đã là quá muộn.