Luc Donckerwolke : Tay bút tài hoa của làng xe thế giới
Chỉ mất chưa đến 5 năm từ chỗ là “bản sao lỗi” của thiết kế xe Nhật, Hyundai – Kia đã hoàn toàn lột xác và tự tin cạnh tranh trên thương trường ở nhiều phân khúc, trong đó có phân khúc xe sang. Nhưng đó mới chỉ là một phần sự nghiệp của Luc Donckerwolke...
Sức sáng tạo dẻo dai
Trong vài năm trở lại đây nếu nói tới Luc Donckerwolke, người ta thường đọc được các tin tức về những thiết kế của ông tại Hyundai và Kia. Điều đó làm nhiều người quên mất rằng trước khi đầu quân cho hãng xe Hàn Quốc, Luc Donckerwolke từng có sự nghiệp lẫy lừng tại các hãng xe hàng đầu thế giới như Lamborghini, Audi hay Bentley. Ở những nơi đã đi qua, Luc Donckerwolke đều để lại dấu ấn sâu đậm với những sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Sau thời gian khai mở sự nghiệp tại Peugeot đầu thập niên 90, Luc Donckerwolke chuyển tới Audi vào thời điểm hãng xe này đang có thay đổi lớn trong ngôn ngữ thiết kế, với các hình hộp góc cạnh phải nhường chỗ cho những đường cong mềm mại hơn. Tại đây chiếc A4 Avant do Luc Donckerwolke chấp bút đã trở thành chiếc xe diesel-hybrid đầu tiên được hãng xe Đức bán ra thị trường. Khoảng giữa thập niên 90, Luc Donckerwolke chuyển đến Skoda với nhiệm vụ sáng tạo lại thương hiệu xe hơi Séc và chiếc Skoda Octavia thế hệ đầu tiên ra đời. Đó là mẫu xe hơi quan trọng theo mọi nghĩa, cũng là chiếc xe hoàn toàn mới đầu tiên của Skoda sau khi tập đoàn VW nắm quyền sở hữu, với phần phía sau rộng rãi nhất trong toàn bộ phân khúc. Năm 1999, mẫu Skoda Fabia thế hệ đầu tiên do Luc Donckerwolke thiết kế đã giành được giải thưởng “Chiếc xe của năm” sau cuộc bình chọn của giới chuyên môn tại Anh Quốc.
Trở lại với Audi, sản phẩm đột phá của Luc Donckerwolke là mẫu Audi 24h Le Mans được phát triển từ nguyên mẫu R8R. Chiếc xe ấn tượng đến mức khi tập đoàn VW mua lại các thương hiệu Bentley, Bugatti và Lamborghini, Luc Donckerwolke đã trở thành người đứng đầu thiết kế của thương hiệu con bò đực Lamborghini. Dưới sự chỉ đạo của Luc Donckerwolke, chiếc Gallardo với mũi ngắn và kính chắn gió đẩy về phía trước đã đưa Lamborghini trở lại với những thiết kế góc cạnh sắc sảo của một mẫu Countach LP400 thuần túy vượt thời gian. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Gallardo là mô hình bán chạy nhất của thương hiệu cho đến nay. Đường nét cứng cáp và góc cạnh trở thành xu hướng mẫu mực tại Lamborghini ngay cả sau khi Luc Donckerwolke đã rời đi.
Lamborghini Murcielago cũng là mẫu xe do Luc Donckerwolke thiết kế. Điều thú vị là yêu cầu thiết kế vốn không phải khẩu vị của Luc Donckerwolke : “Tôi thường không thích những chiếc xe hơi “mở” bởi độ cứng xoắn bị ảnh hưởng và tỷ lệ chiếc xe (so với khi đóng) cũng thay đổi khi bạn tháo mui cứng...”. Thế nhưng, rốt cuộc mẫu roadster này của Luc Donckerwolke cũng trở thành “hàng chiến” của Lamborghini và là mẫu xe thời thượng của thế giới xe hơi vào thời điểm ra mắt. Quà tặng cuối cùng của Luc Donckerwolke cho Lamborghini trước khi chia tay là chiếc speedster Gallardo Concept S, một trong những mẫu xe tái sinh tuyệt đẹp của chiếc Miura huyền thoại.
Khi chuyển tới Bentley, một lần nữa tay nghề của Luc Donckerwolke khiến giới chuyên môn phải thành tâm thán phục. Mẫu Bentley Flying Spur 2014 được thiết kế lại chắc chắn, đồng thời trông hiện đại và thể thao hơn với lưới tản nhiệt vững chãi và đường viền mái thấp. Trong khi đó mẫu concept EXP 10 Speed 6 2015 của Luc Donckerwolke là bước đột phá lớn trong ngôn ngữ thiết kế của Bentley và sau này sản phẩm bán chạy Continental GT đã vay mượn khá nhiều từ nó. Đánh giá về Luc Donckerwolke, một đồng nghiệp đồng thời từng là “sếp” của Luc Donckerwolke – nhà thiết kế nổi tiếng Walter de Silva cho biết : “Sức sáng tạo của Luc thật đáng kinh ngạc. Cậu ấy có khả năng nắm bắt rất nhanh các ngôn ngữ thiết kế và xu hướng mới với thứ kỹ năng hoàn hảo nhất và đó là lý do mà sản phẩm của cậu ấy rất đa dạng và mang tính đột phá cao...”.
Thách thức ở Hyundai
Năm 2015 khi sự nghiệp đang lên, Luc Donckerwolke bất ngờ chuyển sang làm việc cho Hyundai. Khó khăn rõ ràng là không hề nhỏ bởi Hyundai ở thời điểm đó vẫn khá “lẹt đẹt” trong làng xe thế giới. “Khi bạn thiết kế cho một thương hiệu có truyền thống 50, 70 hoặc 100 năm, những gì bạn làm ít có ảnh hưởng đến tương lai. Bạn cũng có thể mắc sai lầm và quay lại sửa sai. Thế nhưng nếu bạn thiết kế cho một thương hiệu mới, mỗi thứ bạn làm đều trở thành di sản. Khó khăn nhân lên gấp bội bởi thứ bạn làm phải vừa khác biệt, vừa có thể phát triển...”. Tại Hyundai, Luc Donckerwolke phải bỏ lại sau lưng hoàn toàn những gì gọi là truyền thống và bắt đầu với một tờ giấy trắng. Nhiệm vụ là tạo ra di sản mới từ đầu cho thương hiệu sang trọng mới của Hyundai có tên là Genesis.
Dưới sự chỉ đạo của Luc Donckerwolke và nhóm các nhà thiết kế táo bạo như Sang Yup Lee, một triết lý thiết kế mới được hình thành tại Hyundai nhằm tạo ra sự hài hòa giữa tỷ lệ, kiến trúc, kiểu dáng và công nghệ. Với khái niệm “Grandmaster”, các mẫu xe Hyundai có lưới tản nhiệt mới, cụm pha chẻ đôi và vòm bánh xe kép như người ta thấy trên chiếc Kona, Palisade, Venue và gần đây nhất là Creta. Còn với khái niệm “Le Fil Rouge”, các bề mặt phức tạp hơn và cơ cấu tỷ lệ đẩy bánh xe ra các góc xa hơn, như trên các mẫu Sonata và Elantra mới. “Sensuity Sportiness” – Thể thao nhạy cảm – là triết lý để Luc Donckerwolke và các cộng sự làm cho những chiếc xe Hyundai trở nên nổi bật giữa đám đông. Trong khi đó với thương hiệu hạng sang Genesis, sau vài mẫu ban đầu bị đánh giá hơi nhạt nhẽo, những mẫu G70, G80 của Genesis đã dám đương đầu với những ông lớn như Audi, BMW và Mercedes-Benz, hay ít nhất cũng đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Acura, Lexus và Infiniti.
Có thể nói những gì Luc Donckerwolke đã làm để biến Hyundai và Kia trở thành thế lực mới trong làng xe thế giới là đáng ngả mũ khâm phục. Đồng thời, một lần nữa chứng minh sự nhạy bén và óc sáng tạo của Luc Donckerwolke trong việc kết hợp giữa những ảnh hưởng của Âu Mỹ với văn hóa Hàn Quốc. Nhận xét về mẫu Genesis G70, Luc Donckerwolke nói : “Giống như hầu hết những gì chúng ta đã thấy và trải nghiệm ở Seoul đương đại, chiếc xe chứa đựng một sự pha trộn độc đáo của những ảnh hưởng từ Mỹ, châu Âu và châu Á, mang đến sự hài hòa trong phân khúc và cảm xúc về hương vị đặc hữu của bán đảo này... Chúng tôi không làm phim hoạt hình Hàn Quốc trên bánh xe. Chúng tôi sử dụng văn hóa Hàn Quốc như nguồn cảm hứng lớn...”. Cần nhắc lại rằng Luc Donckerwolke và nhóm của mình chỉ mất vỏn vẹn hai năm để đưa dòng xe hạng sang của Hyundai ra với thế giới và có được chỗ đứng vững chãi. Khó có thể dùng nhận xét nào khác hơn ngoài cụm từ “thần kỳ” để nói về khối lượng công việc và những thành tựu mà Luc Donckerwolke đã đạt được tại Hyundai.
Tháng 4 năm nay, cũng đột ngột như khi đến, Luc Donckerwolke thông báo quyết định rời khỏi Hyundai. Lần ra đi này, bến đỗ mới của người đàn ông đã định hình lại thiết kế của Hyundai và Genesis không phải bất cứ một hãng xe nào mà là gia đình. Trước khi đến Hàn Quốc, ông đã ở với tập đoàn Volkswagen 22 năm. Sau thời gian dài làm việc với tư cách ở các vị trí hàng đầu trong ngành, giờ đây người đàn ông 54 tuổi đang lên kế hoạch dành nhiều thời gian hơn cho gia đình ở Bavaria. Hyundai và Genesia sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi Sang Yup Lee, một đồng nghiệp giỏi làm việc dưới quyền Luc Donckerwolke khi ông còn tại vị.
Một ngày nào đó, có thể người ta sẽ lại thấy Luc Donckerwolke cầm bút phác thảo một mẫu xe hoặc trầm ngâm suy nghĩ ý tưởng bên mô hình đất sét, hoặc cũng có thể không, vì chẳng ai nói trước được tương lai. Chỉ có điều những ảnh hưởng mà Luc Donckerwolke đã xác lập trong làng thiết kế xe hơi thế giới là rất đậm nét, cả ở những hãng xe hàng đầu thế giới lẫn những thương hiệu mới nổi như Hyundai và Kia. Người ta sẽ nhớ tới Luc Donckerwolke như là một trong những cây bút tài hoa hạng nhất của ngành công nghiệp xe hơi và ở góc độ rộng hơn, là một trong những người đã tạo nên sự thay đổi đáng kể trong trật tự vị trí của làng xe thế giới.