Ngày này năm xưa: Preston Tucker và giấc mơ dang dở

Nhắc tới nền công nghiệp xe hơi nước Mỹ, người ta thường nhớ ngay đến những thương hiệu lớn như Oldsmobile, General Motors, Ford và Chrysler. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để có được chỗ đứng ở ngành công nghiệp này, vì nhiều lý do khác nhau, có những tên tuổi nổi tiếng khác đã không thể sống sót đến ngày hôm nay, dù để lại sức ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Tucker là một trong những tên tuổi như thế.

Tucker 48 2
 
Tên của ông là Preston Tucker, một người làm việc trong ngành công nghiệp xe hơi nhiều thập kỷ. Vào thời điểm khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, Tucker nhận thấy nhu cầu về một chiếc xe hoàn toàn mới của thời kỳ hậu chiến. Mùa Hạ năm 1944, ông thuê nhà thiết kế nổi tiếng George S. Lawson để thiết kế chiếc xe theo ý tưởng của mình. Sau một năm rưỡi thực hiện dự án, bản thiết kế chiếc xe được công bố chính thức vào tháng Hai năm 1946. Mặc dù Studebaker mới là hãng ra mắt mẫu xe đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc song cách tiếp cận của Tucker rất khác biệt. Mẫu xe của ông là một chiếc xe an toàn với kiểu dáng hiện đại và các tính năng sáng tạo. Sự cầu toàn của Tucker khiến quá trình thiết kế chiếc xe khá chậm chạp. Sau Lawson, có đến hai nhóm thiết kế nổi tiếng khác là Tremulis và Lippincott tiếp quản dự án này và đến tháng Ba năm 1947, mô hình đất sét của chiếc xe mới hoàn thiện. Chiếc xe được đặt tên là Tucker 48.
 
Tucker 48 3
 
Tucker 48 là một chiếc xe tích hợp rất nhiều tính năng lần đầu tiên được áp dụng trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nước Mỹ. Nó có một đèn pha thứ ba nằm ở chính giữa mũi xe, được gọi là “mắt Cyclop”. Đèn pha này sẽ sáng khi góc lái lớn hơn 10 độ để chiếu sáng các góc xung quanh chiếc xe. Vào thời điểm đó, 17 tiểu bang trên nước Mỹ có luật cấm những chiếc xe có nhiều hơn 2 đèn pha và để đối phó, Tucker đã chế tạo một vỏ bọc cho chiếc đèn Cyclop khi đi qua các tiểu bang này. Chiếc xe sử dụng kiểu động cơ đặt sau và hệ dẫn động bánh sau. Động cơ là loại 6 xi lanh phẳng có vỏ bằng nhôm, làm mát bằng nước, có dung tích 9,65 lít với các buồng đốt hình bán cầu. Quá trình đốt của động cơ được thực hiện bằng cách phun nhiêu liệu, một bộ phân phối áp suất dầu được gắn với bộ phân phối đánh lửa để đảm bảo thời gian mở van thích hợp. Động cơ với piston làm từ hợp kim nhôm-magie và lót xi lanh bằng thép này có công suất 200 mã lực, mô men xoắn cực đại 610Nm ở vòng tua 1800 vòng/phút và khi chạy ở tốc độ 96 km/giờ, nó chỉ quay ở vòng tua 1000 vòng/phút. Những tính năng động cơ nói trên của Tucker 48 là những tính năng lần đầu tiên xuất hiện trong ngành công nghiệp xe hơi nước Mỹ vào năm 1948.
 
Tucker 48 4
 
Với ý tưởng chủ đạo là thiết kế một chiếc xe an toàn, chiếc Tucker 48 có một khung chống lật, thứ mà ngày nay có thể thấy ở mọi xe đua hoặc xe đường phố chạy tốc độ cao. Hộp tay lái được bố trí phía sau trục trước để bảo vệ người lái trong các tai nạn xảy ra phía mũi xe. Bảng điều khiển và các công tắc được bố trí gần vô lăng để người lái tiếp cận dễ dàng, trong khi táp lô cũng có đệm an toàn. Kính chắn gió là loại kính chỉ rạn khi va chạm nhằm bảo vệ người ngồi bên trong. Phanh xe có chìa khóa riêng nhằm tránh hành vi trộm cắp. Các cửa xe của Tucker 48 đều có độ mở rất rộng để tạo thuận lợi khi ra vào xe. Hộp găng tay được thiết kế ở tấm cửa trước thay vì ở táp lô nhằm tăng không gian an toàn cho hành khách trong trường hợp xảy ra tai nạn.
 
Tucker 48 5
 
Mặc dù ý tưởng thiết kế của Tucker 48 mang tính cách tân và có thể gọi là chiếc xe cho tương lai vào thời điểm đó, sai lầm của Preston Tucker lại là việc nóng vội cho ra đời chiếc xe (trong khi giai đoạn thiết kế bản vẽ và làm mô hình thì lại khá kỹ). Tháng Sáu năm 1947, Preston Tucker tổ chức giới thiệu chiếc Tucker 48 ở dạng xe nguyên mẫu. Đêm trước buổi ra mắt, tay đòn hệ thống treo độc lập của hai trong số năm chiếc xe nguyên mẫu đã bị gãy do xe quá nặng. Ngoài ra ở buổi ra mắt, động cơ lắp trên xe có vấn đề về tiếng ồn và thậm chí chất làm mát bị sôi trào ra khỏi xe. Những sự cố này bị giới truyền thông thổi phồng và cho rằng Tucker đã gian lận dù đây mới chỉ là chiếc xe nguyên mẫu chứ chưa phải xe sản xuất. Trước vô số bất lợi, Preston Tucker vẫn quyết định sản xuất chiếc Tucker 48. Có tổng cộng 51 chiếc Tucker 48 đã được sản xuất trước khi hãng xe của Preston Tucker phải ngừng hoạt động vào đầu tháng Ba năm 1949 trước làn sóng chỉ trích của giới truyền thông. Ủy ban Giao dịch & Chứng khoán Mỹ đã buộc phải mở một cuộc điều tra rộng rãi và một phiên tòa đã diễn ra. Ngày 20 tháng Giêng năm 1950, phiên tòa xử vụ Tucker đã công bố Preston Tucker vô tội và những cáo buộc về ông là không có cơ sở. Có nhiều ý kiến cho rằng các nhà sản xuất thuộc Big Three(gồm GM, Ford và Chrysler) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến hãng xe của Preston Tucker sụp đổ. Điều thú vị là hàng loạt tính năng trên chiếc Tucker 48 sau đó đã có mặt trên các xe sản xuất của nhiều hãng xe lớn, trong đó có Big Three.
 
Tucker 48 6
 
Năm 1988, đạo diễn nổi tiếng Francis Ford Coppola, một người sở hữu một chiếc Tucker 48 đã ra mắt bộ phim The Man and His Dream nói về cuộc đời của Preston Tucker với tài tử điện ảnh kiêm ca sĩ Jeff Bridges thủ vai Preston Tucker. Những chiếc Tucker 48 hiện nay còn rất ít ỏi, chủ yếu nằm trong các bộ sưu tập hiếm. Năm 2012, một chiếc Tucker 48 đã được bán trên sàn đấu giá với mức giá 2,915 triệu USD.
 
Tucker 48 1
 
Tucker 48 4
 
Tucker 48 7
 
Tucker 48 8
 
Tucker 48 9
 
Tucker 48 10
 
Tucker 48 11
 
Tucker 48 12
 
Tucker 48 13
 
Tucker 48 14
 
Tucker 48 15
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn