Công nghệ hybrid mới khiến Toyota, Volkswagen “nóng gáy”

BYD đã chính thức giới thiệu hệ truyền động hybrid thế hệ thứ 5 với nhiều đột phá về hiệu suất nhiệt của động cơ, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và phạm vi hoạt động. Công nghệ hybrid mới này được nhận định sẽ khiến cuộc đua với Toyota và Volkswagen thêm căng thẳng.

Theo CarNewsChina, BYD đã ra mắt công nghệ hybrid DM thế hệ thứ 5 tại sự kiện được tổ chức ngày 28/5 ở Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc). Điểm thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và truyền thông là công nghệ hybrid thế hệ mới này được cho là sẽ mang lại hiệu suất nhiệt của động cơ cao nhất (46,06%), mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất (2,9 l/100 km đến khi cạn pin) và phạm vi hoạt động xa nhất (2.100 km).

Hệ thống hybrid DM thế hệ thứ 5 được phát triển dựa trên động cơ xăng 1.5 lít, có thể mang đến công suất tối đa 74 kW và mô-men xoắn 126 Nm. Với những cải tiến về công nghệ, động cơ có thể đạt hiệu suất nhiệt 46,06% mà theo BYD là cao nhất thế giới. Kết quả này có được là nhờ sự kết hợp của các công nghệ như tỷ lệ nén siêu cao, ống dẫn khí xoáy, hệ thống EFI thông minh, hệ thống đốt thông minh, hệ thống phun xăng điện tử thông minh, hệ thống tuần hoàn khí xả (EGR) hoạt động trước khi quá trình hút không khí mới vào buồng đốt bắt đầu, làm mát phân vùng thông minh và hệ thống bôi trơn biến thiên thông minh.

Công nghệ mới sử dụng các gói pin có dung lượng 10,08/15,87 kWh. Chúng đều là dòng pin Blade của BYD. Động cơ điện của hệ thống sử dụng một trong hai loại động cơ điện EHS120 có công suất tối đa 120 kW, mô-men xoắn 210 Nm hoặc động cơ EHS160 có công suất tối đa 160 kW và mô-men xoắn 260 Nm. 

Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng pin lithium iron phosphate 12V có tuổi thọ tương đương với xe và không chứa chì. Hiệu suất của hệ thống hybrid điện (EHS) có thể đạt 92% trong điều kiện làm việc toàn diện, tăng 5% so với thế hệ thứ 4. Đồng thời, mật độ công suất đạt 75,47 kW/l, tăng 15,5% so với thế hệ trước. Hơn thế, ở thời điểm hiện tại, mật độ năng lượng của pin Blade PHEV đạt 115 Wh/kg, tăng 15,5%. Tỷ lệ xả là 16C, tăng 33%. Trong khi đó, tỷ lệ phản hồi là 5C, tăng 20,3%.

Hệ thống sạc AC được nâng cấp từ 3,3 kW lên 6,6 kW, trong khi thời gian sạc rút ngắn 60%. Với sạc DC, thời gian sạc từ 30% lên 80% chỉ còn 21 phút. Tính năng sạc ngược V2L có thể hỗ trợ lên đến 6 kW thay vì 3,3 kW như trước đây.

Ông Wang Chuanfu - Chủ tịch BYD - cho biết: Với mức sạc thấp, mức tiêu thụ nhiên liệu trên 100 km thấp nhất là 2,9 lít với các mẫu xe được trang bị công nghệ DM thế hệ thứ 5. Sử dụng công nghệ này, các phương tiện có thể di chuyển quãng đường lên đến 2.100 km với pin sạc đầy và bình xăng đầy, gấp 3 lần các phương tiện dùng nhiên liệu thông thường.

Qin L DM-i và Seal 06 DM-i là hai mẫu xe đầu tiên sử dụng công nghệ hybrid DM thế hệ thứ 5 của BYD

Cùng với ra mắt công nghệ hybrid DM thế hệ thứ 5, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng giới thiệu hai mẫu xe đầu tiên sử dụng công nghệ này. Đó là Qin L DM-i và Seal 06 DM-i. Chúng cũng được mở bán ngay tại sự kiến với giá bán khoảng 13.800 USD.

Cũng trong ngày 28/5, Toyota trình diễn các mẫu động cơ thế hệ tiếp theo mà theo nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thì có thể so sánh với các nguồn nhiên liệu thay thế như nhiên liệu điện tử tổng hợp (e-fuel) và nhiên liệu sinh học (biofuel) nhằm giảm khí thải các-bon. Tuy nhiên, khác với công nghệ hybrid mà Toyota từng đi đầu với mẫu Prius năm 1997, động cơ hybrid sạc điện của các nhà sản xuất Trung Quốc lại sử dụng gói pin lớn hơn và có thể di chuyển được quãng đường dài hơn chỉ với nguồn điện.