Chơi Drift cần những gì
Không chỉ bỏ ra thời gian rèn luyện kĩ năng, người chơi drift còn phải chấp nhận bỏ ra 1 khoản rất lớn chi phí cho 1 chiếc xe để có thể tham gia môn này. Nếu xác định là 1 tay đua chuyên nghiệp, chi phí đầu tư cho 1 chiếc xe không thua gì các xe ở giải fomula 2.
Drift vốn không phải là môn thể thao xa lạ trên thế giới đặc biệt là đối với những người mê xe, được định nghĩa là nghệ thuật “kiểm soát trong sự mất kiểm soát”, là kĩ năng rê đuôi xe mỗi khi vào cua nhằm đạt được tốc độ cao nhất nhằm hướng đến sự trình diễn đẹp mắt nhất. Thế nhưng lại rất ít người hiểu bản chất cũng như sự kì công khi tham gia môn thể thao này.
Không một ai biết chính xác drift được sáng tạo lần đầu tiên ở đâu, chỉ biết Nhật bản là nơi thai nghén và sản sinh ra môn thể thao này. Nó được chính thức công bố lần đầu năm 1960, đến năm 1970, Kunimitsu Takahashi hoàn thiện những kĩ năng drift thành cơ bản cho những người tham gia chơi và 5 năm sau đó là huyền thoại Keiichi Tsuchiya – Drift King của Nhật Bản đã thực hiện thành công mọi kĩ năng của Takahashi trên những ngọn núi của Nhật Bản, trở thành drifter đầu tiên trên thế giới và là huyền thoại trong giới chơi xe 4 bánh. Ông cũng là người góp phần đưa drift đến với công chúng qua những tạp chí về xe uy tín của Nhật bản vào năm 1988 và vào năm 1990 là những cuộc thi drift chính thức ở Nhật Bản. Đến nay có hàng chục cuộc đua xe cũng như sự kiện về drift khắp nơi trên thế giới, chính thống và cả không chính thống, theo đó cũng sinh ra các huyền thoại về drift theo từng thể thức họ tham dự. Ở Việt Nam drift chỉ được biết đến vào năm 2012 và chính thức được công nhận vào năm 2015 nên so với thế giới, vẫn còn là 1 khoảng cách rất dài.
Drift có rất nhiều kĩ năng để thực hiện, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chiếc xe, một yếu tố then chốt. Ô tô để drift có giá thành và chi phí duy trì cao gấp nhiều lần 1 chiếc xe thông dụng hàng ngày. Và đề đầu tiên một người muốn tham gia chơi drift là phải có 1 chiếc xe tốt, đã được nâng cấp toàn diện. 1 chiếc xe để drift ngoài bộ vỏ bắt mắt, khí động học, thiết kế đẹp và mang hơi hướng cá tính của chủ nhân thì mọi chi tiết trên xe dù là rất nhỏ đều phải thay mới hoặc được độ lại. Đơn cử là bộ khung phải thiết kế dạng lồng, vô lăng thể thao siêu nhẹ, cổ lái và góc lái được điều chỉnh để giảm số vòng dánh lái, ghế thể thao thay cho xe thông thường bởi vô lăng thể thao không có túi khí, kính chắn gió có thể xuyên mù, hệ thống đèn thay đổi, giảm sóc thay mới cứng và trọng tâm thấp, góc bánh xe choãi ra chống lật, lazang và lốp mới hoàn toàn có thể chịu được ma sát mài mòn cao cũng như không mất độ bám khi đang drift, chưa kể những phụ kiện đắt tiền nhằm giảm tối đa trọng lượng xe.
Chưa hết, phần quan trọng nhất là khối động cơ nguyên bản phải được điều chỉnh nhằm cho ra công suất tối ưu nhất, khiến cho mô men xoắn đột ngột đạt chỉ số cao nhất có thể. Đây là 1 tùy chỉnh rất đắt giá bởi thông thường những khối động cơ để drift phải rất bền bỉ, có thể tạo ra hàng trăm mã lực, gia tốc nhanh và mô men xoắn vô cùng lớn, chưa kể siêu nạp và thêm NOS hỗ trợ tùy người chơi. Kèm theo đó là hệ thống làm mát, bộ li hợp, hộp số, ECU và hệ thống điện tử trung tâm sẽ phải điều chỉnh lại toàn bộ. Đây là phần đắt nhất trên 1 chiếc xe drift, có khi giá trị bằng tổng giá trị cả chiếc xe mới cùng loại.
Sau khi sở hữu 1 chiếc xe, việc tiếp theo sẽ là tập luyện và cần có những cung đường để chạy. Ở một số nước, luật pháp yêu cầu người chơi phải thuê sân hay đường chạy riêng vì nếu chạy trên đường phố, ngoài những chi phí sắp nêu, người chơi sẽ phải trả phí phạt cảnh sát, tai nạn nếu có, chi phí sửa chữa và rất nhiều hệ lụy đi kèm. Sau khi thuê sân bãi, người chơi lại mất 1 khoản tiền không nhỏ cho người hướng dẫn, rồi chưa kể chi phí bảo dưỡng và thay thế cho chiếc xe sau mỗi lần chơi luôn cao ngất ngưởng. Mới tập bạn sẽ nhanh chóng khiến bộ côn cũng như hệ thống lốp và phanh xuống cấp rất nhanh và cần thay thế liên tục, chưa tính chi phí xăng dầu và toàn bộ thân xe trong trường hợp va chạm. nếu như ở Việt Nam, việc thay thế 1 số dòng xe sẽ khiến người chơi nhanh nản vì quãng thời gian chờ đợi từ khi đặt hàng đến khi lắp lên xe là khá lâu. Chưa kể chi phí cho những thứ đó rất nhiều và hầu như là liên tục.
Ngay cả khi ở mức độ chuyên nghiệp, chỉ riêng chi phí tiền dịch vụ, thay thế lốp, hiệu chỉnh động cơ máy móc và phanh khiến người ta liên tưởng đến chi phí xa hoa của giải đua F1 danh tiếng. Số lượng lốp trong mỗi giải đua drift nhiều hơn bất kì gỉai đua xe nào khác, trung bình để đạt kết quả tốt nhất cho tay lái, đội đua sẽ thay 1 bộ lốp mới trung bình mỗi vòng 1 lần, điều đáng nói là công nghệ lốp và phanh cho xe drift rất đắt đỏ, chưa kể va chạm hay tai nạn trong đường đua là chuyện thường ngày và chi phí để khắc phục nó, đủ để thấy sự tốn kém mà môn thể thao này mang lại. Và đương nhiên, ở mỗi nước luôn có những quy định riêng về luật lệ, vậy nên những điều chỉnh cho phù hợp với luật lệ khi tham dự lại càng tốn nhiều chi phí hơn nữa, và các đội đua sẽ luôn phải chuẩn bị cho những chi phí này.
Chính vì sự xa hoa và tốn kém tột độ của môn thể thao này mà chủ yếu nó chỉ phát triển ở những nước có nền kinh tế mạnh, nơi mà con người được phát triển với đầy đủ nhu cầu và quyền lợi. Ở Việt Nam cũng đã bước đầu phát triển drift, nhưng nếu để so sánh thì chưa thể bằng các nước khác trong khu vực. Drift không đơn thuần chỉ là 1 môn thể thao, nó còn là 1 môn nghệ thuật hiện đại, và người chơi nó phải thực sự là 1 nghệ sĩ mới có thể thành công được. Với chi phí bỏ ra như việc đầu tư cho 1 chiếc xe ở giải đua Fomula 2, chắc chắn nó sẽ là vấn đề khá đau đầu với người chơi. Và khi chơi drift, phải thực sự đam mê mới có thể thành công!