Café Racer: văn hóa và lối sống.
Café Racer không đơn giản chỉ là tên một loại xe, mà còn đại diện cho phong cách sống của lớp thanh niên trẻ Anh Quốc đã tự tạo ra một “ốc đảo văn hoá” chơi xe vào nửa cuối những năm 50.
Cho đến ngày nay Ace Café London vẫn là nơi tụ tập ưa thích của giới motor Anh Quốc.
Đam mê motor, lang thang trên những con đường cao tốc mới xây vắng vẻ, la cà các quán café, cuồng nhiệt cùng những bản nhạc Rock n’ Roll thời đó, họ đơn giản chỉ là những con người trẻ không muốn sống trong sự ngột ngạt của nền công nghiệp mới.
Phải kể đến nơi tụ tập yêu thích của dân chơi mô tô là quán Ace Café hay 59 Club tại London.Họ đến đó tán chuyện, nghe rock, và từ đó khai sinh ra trào lưu motor có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Đều là thanh niên trẻ và đam mê tốc độ, họ tổ chức một cuộc đua xe ngắn từ quán café này tới một điểm định trước và quay lại trước khi một bài hát trên máy hát kết thúc. Cái tên Café Racer được ra đời từ câu chuyện cá cược vui vẻ này.
Chọn cho mình một chiếc xe đua nguyên bản vừa túi tiền rồi dân chơi Anh độ lại để xe đạt tới 100 dặm/h (160km/h) bằng cách loại bỏ phần vỏ kim loại không cần thiết, thay thế bình xăng thon dài và yên solo lồi lên phía sau giúp phần cố định chỗ ngồi cho người lái. Tiếp theo, họ sẽ thay tay lái kiểu clip-on cắm thẳng vào ti phuộc và thường được thiết kế thấp hơn bình xăng khiến dáng ngồi của người lái rạp xuống để tránh sức cản của gió nhằm mục đích tăng khả năng điều khiến chính xác hơn ở tốc độ cao, kế đó chỗ để chân và các cần điều khiển phanh số cũng được đặt lùi ra sau. Nói một cách khác, Café Racer là một biến tấu của Sport Bike cho dân chơi đường phố, thoả mãn thú đàn đúm của những ton-up boy với các phụ tùng áo da, đính tán, ủng mũ cầu kỳ.
Tùy theo người chế tạo mà phong cách của Café Racer dần biến đổi, đa dạng và phong phú trong suốt thời kì phồn thịnh của nó những vẫn xoay quanh tiêu chí tối ưu hóa tốc độ và cảm giác lái. Một trong những sự kết hợp phổ biến nhất thời đó là động cơ Triumph Bonneville với bộ khung Feartherbed của Norton hoặc khung BSA.
Sự kết hợp điển hình giữa động cơ Triumph và khung Featherbed của Norton.
Và cứ thế thú chơi Café Racer bùng nổ đến đỉnh điểm thời kì hoàng kim của nó tới tận giữa những năm 70 khi dòng xe Nhật chiếm lĩnh thị trường Anh, những khối động cơ 3 hoặc 4 xy-lanh của Honda và Kawasaki dần trở thành tiêu chuẩn của dân chơi Café Racer.
Kawasaki Z750 Café Racer.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của Café Racer, các hãng xe dần cho ra lò những mẫu xe công nghiệp được sản xuất hàng loạt với vẻ ngoài chắp vá thêm vài chi tiết nhưng không hề khiến chúng chạy nhanh hơn hay hoạt động hiệu quả hơn, điều này dẫn đến sự thoái trào của Café Racer.
Và cứ thế, Café Racer phủ đầy bụi bặm để rồi chìm vào lịch sử xe gắn máy nhưng không hề biến mất. Nó vẫn âm thầm lan tỏa, âm thầm tồn tại để rồi ngày nay Café Racer lại một lần nữa quay trở lại, bùng cháy mạnh mẽ. Mặcdù hiện nay Café Racer đa dạng hơn cả về phong cách lẫn cách chế tạo cơ khí, không còn tập trung quanh tiêu chí tối ưu hóa tốc độ, tuy nhiên những chiếc Cafer Racer ngày nay vẫn bật lên một chất bụi bặm nhưng đầy lịch lãm, trẻ trung và linh hoạt. Hòa chung với nền văn hóa motor thế giới, Café Racer cũng được dân chơi motor Việt Nam hâm mộ và cho ra lò nhiều bản độ đẹp mắt, giữ nguyên phong cách thời xưa như một cách để tưởng nhớ lại một nền văn hóa đẹp đẽ, hoang dã và đầy tự do.
Café Racer Cb750 của hãng xe honda của xưởng độ Tự Thanh Đa
Mùi dầu, mùi khi đốt, cảm giác thô ráp với bình xăng tự chế, hay phần đầu xe phóng khoáng. Sức cản của gió khi rạp người ôm cua ở tốc độ cao. Café Racer đem đến cho người lái những trải nghiệm lái xe tuyệt vời nhất mà những chiếc xe motor hiện đại ngày nay không làm được. Nên cho dù một lần nữa Café Racer có khuất bóng thì nó cũng sẽ một lần nữa quay trở lại, bùng cháy mạnh mẽ như khát khao tự do trong cuộc sống công nghiệp đầy ngột ngạt.