Tự giải cứu khi ôtô ‘bơi’ trên đường ngập nước
Theo anh Trần Công Tấn, một lái xe lâu năm, nếu bão số 14 khiến trời mưa lớn hơn so với hôm 7/11, cần chuẩn bị xe cộ và tinh thần cho việc có thể phải lội nước mà đi bởi trung tâm Sài Gòn giờ cũng bắt đầu bị ngập.
Ngày nào cũng có việc qua đường Phạm Thế Hiển, TP.HCM, nên anh Trần Công Tấn, tài xế một công ty tại quận Bình Thạnh, đã quá kinh nghiệm với việc lái xe vượt vùng ngập nước. Tuy vậy, theo anh Hiển, trận lụt hôm 7/11 là hy hữu bởi ngay cả những khu vực trung tâm xưa nay chưa từng ngập cũng lênh láng nước.
Anh Tấn kể thường xuyên gặp trường hợp xe lăn bánh ra khỏi công ty thì trời chỉ mưa nhẹ nhưng chỉ một chốc sau thì trời tối sầm và mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường phố lúc mưa càng nhốn nháo, kẹt xe nhanh chóng lan rộng, khó mà xoay trở trong khi nước lại dâng rất nhanh. Bí nhất là hôm nào sếp đi tiếp khách bằng xe “vía’ của công ty.
Theo các chuyên viên kỹ thuật, trong tình huống đó, các lái xe phải bình tĩnh quan sát mực nước và đặc điểm đường sá xung quanh xe để thận trọng lái xe thoát khỏi chỗ ngập.
Chắc chắn rằng độ sâu ngập nước không vượt qua tâm bánh xe (không được xác định mực nước an toàn dựa vào các xe đang chạy phía trước hoặc ở hướng ngược chiều vì các loại xe khác nhau có độ cao gầm khác nhau). Thông thường, xe đời cũ sử dụng bộ chế hoà khí có lỗ hút khí nạp cao hơn loại phun xăng điện tử nên có thể đi vào đường ngập nước sâu hơn.

Tay biên bị cong, hậu quả của việc xe bị thuỷ kích.
Khi đã vào đường ngập, tắt tất cả các phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, hệ thống giải trí trên xe… để giảm tải cho cho động cơ, đồng thời chuyển hộp số tự động (nếu là xe loại này) sang chế độ đi số tay. Đi số thấp (số 1 hoặc 2) phù hợp với điều kiện vận hành. Trường hợp đường ngập ở mức thấp và xe đã đủ quán tính có thể đi số 2, ngược lại, mức nước ngập cao cần về số 1 để tăng công suất. Lưu ý, ôtô cũng như xe máy khi đã đi qua vùng nước ngập thì phải đều ga, tốc độ thấp nhằm mục đích tránh hiện tượng tạo sóng đưa mực nước ngập lên mức cao hơn.
Tuy vậy, nếu mức nước lên quá cao (gần tới họng hút gió) thì điều trước tiên người lái cần làm là tắt máy ngay. Tuyệt đối không nên cố khởi động máy lại, vì xe có nhiều nguy cơ bị hỏng nghiêm trọng do máy hút nước vào buồng đốt, gây hiện tượng nén nước. Nếu người lái không chủ động tắt máy mà để xe vẫn lăn bánh đến khi máy tự tắt, hoặc cố nhấn ga tăng tốc vượt qua chỗ ngập, máy sẽ hút lượng nước quá nhiều vào buồng đốt, gây ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng khác như cốt cam bị cong hoặc gãy, xú-páp bị cong, trên bề mặt bệ xú-páp xuất hiện vết lõm, thân máy bị vỡ, tay biên bị gãy, pít-tông bị vỡ, bạc pít-tông bị gãy, lòng xi-lanh bị xước hoặc nứt, bơm nhớt bị kẹt…
Lúc này, số tiền phải bỏ ra để khắc phục thiệt hại là rất khó lường. Ví dụ, chủ một chiếc Mercedes-Benz E280 bị ngập nước ở Hà Nội từng phải bỏ ra số tiền lên tới hơn 600 triệu đồng để sửa chữa, thay thế phụ tùng. “May mắn” hơn, nhưng chủ của một chiếc Toyota Camry bị “thủy kích” cũng đã phải tiêu tốn số tiền hơn 200 triệu đồng để khôi phục động cơ.
Ngoài ra, sau khi nhanh chóng tắt máy xe, tùy theo cấu tạo chức năng của bộ phận điều khiển trên từng loại xe cụ thể, người lái cần nhả cần số khẩn cấp về vị trí N (đối với hộp số tự động) và nhả phanh tay điện đối với xe có phanh tay điện như BMW, Mercedes-Benz. Bước kế tiếp là thoát khỏi xe qua đường cửa sổ và tìm cách đẩy xe đến nơi khô ráo. Cần lưu ý không mở cửa xe khi nước quá mép dưới của cửa vì nước sẽ tràn vào gây thiệt hại lớn hơn cho các chi tiết nội thất và hệ thống điện.
Sau khi thoát vùng ngập nước, với các xe sử dụng phanh tang trống nên rà phanh vài lần cho nước ép ra khỏi má phanh. Tiếp đó là mang loại xe này đi bảo dưỡng phanh sau khi đã qua một trận “tắm sông”.
