TP.HCM sẽ lắp thêm 80 camera bắt xe chạy quá tốc độ

Một phần nguyên nhân của động thái này xuất phát từ việc các cơ quan chức năng thành phố cho rằng, từ khi tốc độ tối đa của các loại xe được tăng 10km/h, số vụ tai nạn và người chết trên địa bàn đều tăng.

TP.HCM sẽ lắp thêm 80 camera bắt xe chạy quá tốc độ
 
Ngày 2/12, sơ kết 8 tháng thực hiện việc tăng tốc độ tối đa lên 10km/h (Thông tư 91 của Bộ Giao thông Vận tải), theo ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, an toàn giao thông đã diễn biến phức tạp hơn, tai nạn giao thông và số người chết đều tăng. Điều này thể hiện qua thống kê của Ban An toàn giao thông. Cụ thể, 8 trong 12 tuyến đường được tăng tốc độ đều có nhiều người chết hơn, 9 tuyến tăng về số vụ và 3 tuyến tăng về số người bị thương.
 
Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM, tai nạn tăng do tâm lý chủ quan của người dân, trong khi tốc độ Thông tư 91 cho phép là cao. Thành phố triển khai việc này trong điều kiện lượng xe ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm... là gián tiếp làm tăng tai nạn. Trước đây, tai nạn ở ngoại thành nhiều hơn nội thành, nhưng từ khi tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h thì ngược lại.
 
Đại diện một số quận huyện ngoại thành và các khu quản lý giao thông đô thị cũng cho rằng, đặc thù của thành phố là có nhiều tuyến đường giao cắt nhau. Do đó, việc nâng tốc độ lưu thông cao hơn trước trong khu vực đông dân (xe máy từ 40 lên 50-60km/h; ôtô từ 50-60 lên 70-80km/h) là nguyên nhân gián tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông.
 
Thông tư 91 có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 cho phép tốc độ tối đa của xe cơ giới trong khu dân cư và ngoài khu dân cư đều tăng thêm 10km/h. Trong đó, ôtô con có thể chạy tới 60 km/h trong khu dân cư và 90 km/h ngoài khu dân cư.