Thị trường ô tô Việt: Mua cái đáng lẽ của mình, rưng rưng mừng như bắt được!
Hãng xe cắt bỏ option không chỉ vì mục đích giảm giá. Chúng là món quà “trên trời rơi xuống” cho người tiêu dùng Việt, dùng để kích cầu mà chẳng cần đầu tư giá trị gia tăng.
Muốn rẻ thì cắt option
Hai tháng giữa Hè (tháng 7-8/2018), hàng loạt thương hiệu xe hơi nhập khẩu rốt cuộc đã tìm được cách lách qua cửa ải Nghị định 116 để ồ ạt thông quan vào thị trường Việt Nam. Kể từ đầu năm 2018, khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN cho xe nguyên chiếc giảm về 0% theo đúng lộ trình của Hiệp định AFTA, có lẽ giờ mới là thời điểm mà người tiêu dùng Việt Nam có thể nở một nụ cười gượng gạo.
Có lẽ trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi thế giới chưa từng xảy ra vụ giảm giá xe nào tương tự như tại thị trường Việt Nam. Để đón đầu lộ trình của Hiệp định AFTA, các hãng xe hơi có mặt trên thị trường Việt Nam lác đác giảm giá xe từ cuối năm 2016, đến năm 2017 thì giảm giá ồ ạt,éo dài trong suốt năm này và vắt sang những tháng đầu năm 2018 với sự tham gia của tất cả các hãng xe tại Việt Nam, theo nhiều đợt. Thị trường xe hơi Việt Nam chứng kiến giá xe các hãng liên tục phá vỡ đáy để thiết lập đáy mới. Trong bối cảnh thị trường bị các rào cản kỹ thuật – chủ yếu là thuế và phí – khiến cho giá xe hơi tại Việt Nam quá cao khiến người tiêu dùng khó có cơ hội tiếp cận thì việc các hãng xe giảm giá liên tục đã có những ảnh hưởng tích cực nhất định mà nhìn thấy rõ nhất là việc kích cầu thành công, lượng xe bán ra tăng lên rõ rệt kể cả khi sản phẩm là hàng tồn kho.
Phấn khích vì cơ hội mua được xe giá rẻ trong cơn lũ giảm giá, không ít người tiêu dùng Việt đã chẳng cần đặt ra câu hỏi rằng giá xe... ở đâu ra mà giảm nhiều đến thế. Câu trả lời trước hết đến từ chính sách “nửa nạc nửa mỡ” đối với thị trường xe hơi Việt Nam. Nỗi lo về sự chưa đáp ứng được của hạ tầng giao thông và tư duy “ăn xổi” của các nhà hoạch định chính sách đã khiến người tiêu dùng không thể mua nổi xe hơi với giá xe bị đội lên quá cao do phải gánh nhiều loại thuế, phí. Điều này, vô hình chung, tạo ra tình trạng cầu lớn hơn cung một cách giả tạo và tiếp tay cho các hãng xe tạo ra thứ chuẩn mực theo kiểu độc quyền. Trước khi Hiệp định AFTA bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam, thị trường xe hơi trong nước hầu như không có khái niệm giảm giá, còn xe hơi được các hãng bán theo lối “cho thế nào được thế ấy”, bảo chuẩn là chuẩn, người tiêu dùng mua được xe là may rồi. Thế nên mới có những trường hợp, chẳng hạn xe Toyota không bung túi khí mà người tiêu dùng đành chịu không bắt đền được hãng, trong khi ở những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu, chỉ cần vài trường hợp như thế là hãng xe đã lập tức phải điều tra để sẵn sàng triệu hồi sửa chữa hàng loạt.
Trở lại với câu hỏi các hãng xe lấy nguồn nào mà giảm giá, thực tế các hãng trước hết cắt giảm chi phí nhân sự, còn sau đó là... vặt bớt tính năng (còn gọi là option). Đơn cử như mẫu Toyota Venturer được nhập về Việt Nam hồi cuối năm 2017 bị cắt bỏ hàng loạt option như đèn LED ban ngày, nẹp chrome trang trí, la-giăng bị thay bằng loại kích thước nhỏ, ghế nỉ thay cho ghế da, sử dụng chìa khóa khởi động thay vì nút bấm đề... Tuy nhiên điều tệ nhất ở các sản phẩm xe hơi bán trên thị trường Việt Nam là việc chúng bị cắt gần như hoàn toàn các tính năng an toàn tiêu chuẩn. Trong những năm gần đây do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và tư duy thiết kế hướng trọng tâm tới người tiêu dùng, các hãng xe hơi cạnh tranh rất gắt gao về tính năng an toàn. Những xe hơi không đủ tính năng an toàn tiêu chuẩn (và các tính năng này ngày một tăng lên về số lượng) sẽ không có cửa để bán ở các thị trường xe hơi lớn trên thế giới chứ chưa nói tới bán đắt hay rẻ. Xe hơi bán tại Việt Nam thường chỉ có túi khí ở vị trí lái (túi khí này có hoạt động hay không thì chưa biết) hoặc thêm hệ thống phanh ABS là hết hạng mục về tính năng an toàn, trong khi các xe đều có thân vỏ mỏng đụng-đến-là-bẹp-rúm. Hãng xe cắt bỏ option không chỉ vì mục đích giảm giá. Chúng là món quà “trên trời rơi xuống” cho người tiêu dùng Việt, dùng để kích cầu mà chẳng cần đầu tư giá trị gia tăng.
Lắp lại option thì thành... chuẩn mới
Những tháng gần đây, người tiêu dùng Việt bắt đầu được chào mời những xe hơi có nhiều tính năng hơn. Cũng cần nói thêm rằng với tư cách là “ông lớn” tại thị trường xe hơi Việt Nam, Toyota không khởi đầu cho xu hướng “lắp trả lại” các tính năng chuẩn cho xe hơi bán ra mà là những hãng xe “lép vế” hơn, như Hyundai chẳng hạn, với các mẫu xe nằm trong phân khúc giá rẻ nhưng có các tính năng đề bằng khóa thông minh, phanh ABS, ghế da, màn hình cảm ứng tích hợp GPS... Chỉ tới khi ấy, Toyota mới bắt đầu “chạy”. Trong thông báo mới nhất của mình, hãng xe Nhật giới thiệu hai mẫu Vios và Yaris có hàng loạt tính năng “mới” như vô lăng tích hợp nút bấm, DVD, phanh ABS, 2 túi khí, cảm biến lùi, la-giăng thời trang...
Người tiêu dùng Việt dĩ nhiên vui mừng trước việc có thể sở hữu những chiếc xe nhiều tính năng hơn, kể cả xe nằm ở phân khúc bình dân. Một lần nữa, họ cũng lại quên mất rằng những tính năng ấy vốn-phải-được-trang-bị trên xe hơi ngày nay với tư cách là tính năng chuẩn, và giờ đây họ phải mua lại những tính năng ấy như một sự ban ơn – hay theo cách gọi của hãng là “tri ân khách hàng” (!). Thôi thì ban ơn hay tri ân, hiểu thế nào cũng xong, chỉ có điều mong là từ đây những xe hơi bán trên thị trường Việt Nam phải có ít nhất những tính năng ấy để tạo ra một chuẩn mực mới trong mắt người tiêu dùng. Bởi nếu không thì những sản phẩm xe hơi bị cắt gần hết tính năng phỏng có khác gì những xe com-măng-ca hồi nửa thế kỷ trước, muốn oai thì phải đóng cửa đánh sầm một cái.