Philippines và Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ĐNA về sản xuất ôtô
Hãng nghiên cứu BMI Research dự báo Philippines và Việt Nam sẽ là 2 trung tâm sản xuất ôtô với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới.
Bloomberg dẫn một báo cáo mới đây của BMI Research cho rằng sản lượng ôtô tại Philippines sẽ tăng tới 300% lên 359.000 phương tiện, trong khi ở Việt Nam, con số cũng tăng gần 100% lên 112.000 xe.
Dự đoán mức tăng trưởng sản lượng trong 5 năm tới
Toyota và PSA là hai trong số những tập đoàn được “hưởng lợi” từ thực tế thu nhập của người dân tại hai quốc gia này ngày càng cải thiện, nhiều người là khách hàng mua xe lần đầu tiên. Việt Nam và Philippines cũng nằm trong nhóm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, vượt 6%.
Fabrice Gatwabuyege, một nhà phân tích của BMI, nhận định: “Sản xuất xe tại Philippines và Việt Nam chủ yếu vẫn sẽ hướng đến tiêu thụ trong nước. Để tăng sức cạnh tranh, các chính phủ cần cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh cũng như những chính sách về ôtô”.
Tỷ lệ sở hữu ôtô (2014)
Các dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2014 cho thấy chỉ có 6% hộ gia đình ở Philippines sở hữu xe hơi, tỷ lệ ở Việt Nam còn “khiêm tốn” hơn (2%). Ngược lại, ở một số quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan đạt tỷ lệ 51%, Malaysia đạt 82%. IBM dự đoán các con số sẽ tăng lên mức trung bình 15%/năm ở Philippines và Việt Nam trong vòng nửa thập kỷ.
Chính phủ Philippines áp dụng chính sách hỗ trợ 500 triệu USD cho các hãng cam kết sản xuất tối thiểu 200.000 phương tiện/mỗi dòng xe trong 6 năm, Mitsubishi và Toyota đã “đăng ký”. Trong khi đó, hãng xe Pháp PSA (sở hữu các thương hiệu Citroen và Peugoet) cùng Hyundai đều đang đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, BMI cũng thừa nhận những nỗ lực và các khoản đầu tư đó chưa đủ để Việt Nam hay Philippines “qua mặt” Thái Lan, Indonesia và giành vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về sản xuất. Sản lượng hàng năm của hai nước này đều vượt 1 triệu xe.
Trong nhiều năm qua, dù ra sức bảo hộ nhưng sau hơn 20 năm “bao bọc”, cuối cùng Bộ Công thương (Việt Nam) cũng phải nhận thất bại khi ngành ôtô trong nước mãi chỉ là một đứa trẻ không chịu lớn.
Theo thống kê, đến năm 2016 cả nước có hơn 170 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, lắp ráp xe, bao gồm 56 doanh nghiệp sản xuất từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở nhưng phần lớn các doanh nghiệp mới có quy mô vừa và nhỏ, mức độ lắp ráp còn giản đơn.
Hai nhược điểm lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt nằm ở tỷ lệ nội địa hóa thấp, trong khi giá bán bị đánh giá là cao so với các nước trong khu vực. Không những vậy, các sản phẩm được nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghệ tương đối thấp.
Hiện công nghiệp ôtô trong nước đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt giữa bối cảnh thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối ASEAN sẽ giảm về 0% vào năm 2018, khiến xe nhập càng trở nên “hấp dẫn”. Mặc dù vậy, Bộ Công thương vẫn muốn tiếp tục phát triển ngành ôtô, đồng thời nghiên cứu các biện pháp “tự vệ” khi xe nhập gia tăng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lắp ráp.