Ô tô điện Mỹ chính thức sản xuất tại Việt Nam

Bắt đầu xúc tiến tìm hiểu và kết nối với nhiều hãng xe ô tô điện trên thế giới trong nhiều năm. Cùng với sự ủng hộ từ giới chức chính phủ, một tập đoàn sản xuất ô tô điện của Mỹ đã được cấp phép và ký kết thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Thanh Hóa. Đối tác Việt Nam là tập đoàn “taxi” Mai Linh, một thương hiệu taxi mạnh nhất nhì trong nước, cũng đang trong giai đoạn bị cạnh tranh khốc liệt vì taxi “điện tử” Grab với Uber.

Từ hồi đầu năm (15/03), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã từng tiếp ông Alfred J. DiMora, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dimora Enterprises, LLC – hãng xe điện mới nổi đình đám trên thế giới. Ấn tượng của họ với làng xe là chiếc siêu xe thể thao Natalia SLS 2 trị giá 2 triệu USD. Hãng đã bày tỏ ý định đầu tư lớn vào Việt Nam thông qua hợp tác với Tập đoàn Mai Linh bằng hạng mục xe taxi chạy điện.
 
 
Ông Alfred J. Dimora cũng cho biết, sẽ dành 500 triệu USD để đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô điện. Giai đoạn đầu xe được bán làm taxi cho Tập đoàn Mai Linh ở Việt Nam. Sau đó mở rộng sản xuất, xuất khẩu qua ASEAN và các thị trường khác trên thế giới. Vị tỷ phú này nổi tiếng ở Mỹ với nhiều mảng kinh doanh từ viễn thông cho tới đóng tàu bằng vật liệu nhẹ, nghiên cứu công nghệ vật liệu mới và gần đây là sản xuất xe điện, siêu xe thủ công.
 
 
Ngay sau đó chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã có buổi tiếp xúc với đại diện Dimora Enterprises, trong dự án đầu tư Nhà máy sản xuất xe ô tô điện tại Thanh Hóa. Ban đầu dự án sẽ có một số hạng mục đầu tư chính gồm; các dự án sản xuất ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, điện gió... trong đó Nhà máy sản xuất xe ô tô điện do liên doanh giữa Công ty TNHH MTV đầu tư Hồ Huy và Tập đoàn Dimora Enterprises, Hoa Kỳ, đầu tư xây dựng có vốn đầu tư từ 300 đến 500 triệu USD, sản xuất loại xe hơi điện 5 đến 7 chỗ ngồi cung cấp cho thị trường Việt Nam. Giai đoạn đầu cung cấp cho Tập đoàn Mai Linh làm xe taxi. Công suất thiết kế 5.000 đến 20.000 xe/năm.
 
 
Tới ngày 18/5, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tại Thanh Hoá về việc đầu tư nhà máy ôtô điện ở Việt Nam. Ông Nick Jaksa người vừa được chỉ định làm chủ tịch Cty Dimora Việt Nam, đã thông báo một số thông tin dự án chính như; Mai Linh đã chủ động tìm đến thị trường Mỹ, còn đối với Dimora, taxi là phân khúc thị trường đáng quan tâm. Thanh Hoá cũng là “đất” quê ông Hồ Huy, người đứng đầu Mai Linh. UBND tỉnh Thanh Hoá và Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cũng cam kết sẽ hỗ trợ những ưu đãi tốt nhất cho việc sản xuất của chúng tôi. Ví dụ như giá thuê đất chỉ bằng 50% của các địa phương lân cận.
 
 
Về phía Tập đoàn Mai Linh, họ cũng đã có kế hoạch từ lâu về việc tìm kiếm phương tiện thay thế xe hơi chạy xăng. Điều này hẳn là một phần vì yếu tố môi trường nhưng quan trọng hơn là yếu tố công nghệ sẽ bù đắp cho những phí tổn phát sinh để cạnh tranh với cơn bão Uber và Grab giá rẻ. Dự định của Mai Linh sẽ thay hơn 20.000 xe taxi truyền thống hiện tại. Họ cũng đã làm việc với nhiều nhà cung cấp ô tô điện của thế giới như Renault nhưng xe điện của Dimora đã được chọn.
 
Dự kiến từ nay cho tới khi chiếc xe điện đầu tiên sản xuất và lăn bánh tại Việt Nam. Các thủ tục sẽ kéo dài từ việc đánh giá chi tiết, địa điểm đặt nhà máy, chứng nhận, thử sản xuất đến đầu năm 2019. Như vậy các hãng xe ô tô truyền thống tại Việt Nam còn khoảng 3 năm nữa để tìm cách bù lấp lại sản lượng bán hàng nếu lô xe này ra được khỏi nhà máy.