Buộc học sinh nghỉ học nếu vi phạm giao thông liệu có khả thi?
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi văn bản về việc tổ chức phong trào đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các học sinh vi phạm nhiều lần luật an toàn giao thông sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu và nghỉ học một tuần.
Là những người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi quy định, không ít phụ huynh đều cho rằng đình chỉ học là biện pháp kỷ luật chưa phù hợp, khiến những em đã thiếu giáo dục về ý thức giao thông giờ thêm lỗ hổng kiến thức văn hóa. Bởi vậy, nhiều người đề xuất nên để những trường hợp vi phạm phải tham gia các khóa học về an toàn giao thông hay cho đi lao động công ích.
Cũng chung quan điểm bị buộc phải nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập, nhiều học sinh nghĩ quy định này chỉ “dọa” được học sinh ngoan, chứ với những học sinh vốn dĩ “càn quấy” thì chưa chắc đã có tác dụng, thậm chí còn tạo điều kiện cho học sinh đó có cơ hội tự do.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều ông bố, bà mẹ tỏ ra ủng hộ văn bản. Một phụ huynh có con đang học ở quận Ba Đình, cho biết chị rất không hài lòng về tình trạng tham gia giao thông của nhiều bạn trẻ hiện nay như lạng lách, đèo ba đèo bốn hay vượt đèn đỏ. Nếu như chỉ áp dụng răn đe, nhắc nhở bình thường, chắc chắn không ít em sẽ tái phạm.
Trong khi đó, chị Hương (Minh Khai, Hà Nội) lại cho rằng ở nhiều nước khác trên thế giới, trẻ em được dạy về Luật giao thông từ khi còn rất nhỏ, không có chuyện đến học sinh phổ thông còn vi phạm.
Bên cạnh thái độ đồng tình, các phụ huynh này cũng cho rằng gia đình và nhà trường nên chung sức giáo dục, giảng giải để các em tự thay đổi hành vi và nhận thức khi tham gia giao thông. Có như vậy mới phát huy tác dụng.
Có thể nói, hầu hết các quy định mới được ban hành đều gây không ít tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, đối với những em học sinh đang ở độ tuổi thay đổi cả về nhận thức và tâm lý, việc giáo dục nói chung, giao dục kiến thức về an toàn giao thông nói riêng cần phải linh hoạt và không quá cứng nhắc bởi những hình phạt như vậy hoàn toàn có thể phản tác dụng. Hơn nữa, những quy định cần phải được thực hiện nghiêm và triệt để chứ không chỉ là “đánh trống bỏ dùi” như thường thấy để rồi quy pháp dễ trở nên bị “nhờn thuốc”.