Honda có thể thay đổi cuộc chơi xe điện với công nghệ pin mới
Đó là nhận định được ông Keiji Otsu - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Honda - đưa ra trong lễ khai trương dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin thể rắn tại thành phố Sakura, Tochigi, Nhật Bản.
Theo The Verge, dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin thể rắn của Honda được vận hành tại cơ sở có diện tích 2,74 ha với số vốn đầu tư 43 tỷ Yên (tương đương 277 triệu USD) sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 1/2025. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra dòng xe điện có phạm vi hoạt động lớn hơn và tuổi thọ bền hơn cũng như thể hiện quyết tâm của Honda trong cuộc đua đổi mới công nghệ pin nhằm giữ vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.
Bởi theo ông Keiji Otsu, công nghệ pin thể rắn do Honda phát triển có thể thay đổi cục diện của kỷ nguyên xe điện do có khả năng gia tăng gấp đôi phạm vi hoạt động so với pin lithium-ion hiện tại vào cuối thập kỷ 2030s và sẽ tăng lên 2,5 lần vào những năm 2040.
Honda khởi động dây chuyền sản xuất pin thể rắn
Như vậy, xe điện Honda có thể di chuyển quãng đường gần 1.000 km chỉ với một lần sạc đầy vào cuối thập niên 2020s. Khi đó, tầm vận hành của hầu hết xe điện Honda sẽ được nâng lên, cho dù khối pin không thay đổi kích thước mà còn giảm do tăng mật độ năng lượng. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, thì đó sẽ cột mốc quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm và giảm bớt nỗi lo về phạm vi hoạt động - rào cản lớn nhất của người dùng với xe điện.
Không dừng lại ở đó, Honda còn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng. Đó là giảm 50% kích thước pin, 35% trọng lượng và 25% chi phí so với hiện tại. Những cải tiến này không chỉ giúp xe điện Honda trở nên nhỏ gọn và nhẹ hơn mà còn góp phần giảm giá bán để xe điện dễ tiếp cận với nhiều người dùng hơn, nhất là trong bối cảnh giá bán cao khiến nhu cầu mua sắm xe điện ở thời điểm hiện tại không như kỳ vọng.
Pin thể rắn sẽ là chìa khóa để tạo ra các mẫu xe điện rẻ hơn, giúp Honda cạnh tranh tốt hơn trong thị trường xe điện ngày càng sôi động.
Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này, các kỹ sư Honda cần kiểm tra quy trình sản xuất, công nghệ chế tạo và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ngoài ra, việc xác định thông số kỹ thuật chính xác của cell pin cũng là bước quan trọng trước khi bắt đầu sản xuất thương mại và tích hợp trên các mẫu xe. Theo kế hoạch, quá trình này sẽ được Honda hoàn tất vào nửa cuối thập kỷ 2020s.
Bên cạnh đó, Honda cũng hướng đến mục tiêu tăng sản lượng xe điện lên hơn 2 triệu chiếc trong 5 năm tới. Đồng thời, xe chạy pin và nhiên liệu hydro sẽ chiếm 40% lượng xe tiêu thụ của hãng vào cuối thập niên 2020s trước khi đạt 100% vào năm 2040.
Không chỉ cung cấp cho mẫu xe của hãng, Honda còn muốn bán pin thể rắn do hãng sản xuất cho các thương hiệu khác cũng như mở rộng phạm vi ứng dụng và tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp này. Vì thế, công nghệ pin thể rắn hứa hẹn sẽ không chỉ tạo đột phá về kỹ thuật mà còn là chìa khóa để Honda thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai cũng như góp phần định hình tương lai của phương tiện giao thông bền vững.