Công nghệ in 3D thay đổi cuộc chơi chế tạo ôtô

Công nghệ in 3D đang dần chiếm vị thế trong ngành công nghiệp ôtô vốn có nhiều áp lực về thiết kế và tiến độ sản xuất. Trong tương lai, liệu công nghệ này có thể phát huy hết tiềm năng và ứng dụng trong sản xuất hàng loạt hay không?

 
Những bước đi đầu
 
Vài năm trở lại đây, việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trên các dây chuyền sản xuất ngày càng phổ biến, trong đó không thể không nhắc đến in 3D.
 
 
Công nghệ in 3D đã có nhiều thành công lớn trong lĩnh vực nghiên cứu xe hơi và xe đua nhưng ứng dụng vẫn bị giới hạn, nó chỉ là một trong những tùy chọn sản xuất. Các nhà sản xuất phụ tùng gốc ngày càng chuộng kỹ thuật này trong sản xuất nguyên mẫu hoặc sản xuất quy mô nhỏ, nhưng có nhiều yếu tố ngăn không cho nó được dùng để phát triển các bộ phận cấu thành xe hơi đại chúng. Những yếu tố bao gồm mức độ phát triển của kỹ thuật in 3D hiện hành, chất lượng của bộ phận đã hoàn thành, chi phí thực hiện và nguyên liệu, cũng như thời gian cần thiết để in từng phần riêng biệt. Tuy nhiên, đây là cây cầu có thể vượt qua.
 
 
Ứng dụng sản xuất xe
 
 
Neil Oatley - Giám đốc thiết kế và phát triển của McLaren Racing - cho biết hiện công ty đang sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra những bộ phận nhỏ như tấm chắn làm mát. “Trước khi áp dụng công nghệ in 3D, chúng tôi mất vài ngày để chế tạo. Nhưng bây giờ chúng tôi chỉ mất khoảng 3-4 tiếng.”
 
 
Trong Công thức 1, tiết kiệm thời gian là một lợi thế cực kỳ quan trọng. McLaren có thể đạt được lợi thế này nhờ tốc độ phát triển rất nhanh bằng phương pháp in 3D. Neil Oatley cho biết rất nhiều lần đội McLaren Racing yêu cầu những thay đổi nhỏ chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ trước khi xung trận. Và công nghệ in 3D đã “mang đến tính linh hoạt chưa bao giờ có”. Tuy nhiên, phương pháp in 3D vẫn cần được cải thiện chi phí và thời gian sản xuất, nếu muốn ứng dụng vào sản xuất hàng loạt những chiếc xe chúng ta vẫn thấy trên đường.
 
Công nghệ đầy hứa hẹn
 
Ông Andy Middleton, Chủ tịch của nhà sản xuất máy in và dây chuyền sản xuất 3D Stratasys EMEA, cho biết: Ở ngành công nghiệp ôtô, in 3D ban đầu sẽ được ứng dụng trong sản xuất sản phẩm giá trị cao và sản lượng nhỏ. Công trình hợp tác giữa Stratasys với McLaren là một ví dụ điển hình: Khối lượng sản xuất khá thấp nhưng giá trị cao.
 
 
Tháng 1/2017, McLaren Racing và Stratasys công bố mối quan hệ hợp tác bốn năm mới nhằm mở rộng công suất sản xuất cho đội Formula F1 tại Trung tâm Công nghệ McLaren ở Woking, Anh. Đây là nơi cung cấp công nghệ in 3D bằng phương pháp FDM (phủ vật liệu từng lớp để tạo hình sản phẩm) và bằng công nghệ in phun PolyJet, dùng để sản xuất nhiều bộ phận của xe đua như ống thủy lực, cánh gió sau, ống làm mát sợi carbon. Ngay sau khi mở rộng, McLaren Racing cho biết sẽ sử dụng các kỹ thuật này để sản xuất linh kiện cho mẫu xe đua MCL32 2017 nhằm đẩy nhanh việc chỉnh sửa thiết kế và giảm trọng lượng xe.