Công nghiệp ôtô Việt phấp phỏng trước nỗi lo nhập khẩu

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị bổ sung sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô trong nước tuy nhiên, việc hạn chế xe nhập khẩu khó có thể thực hiện với tình hình hiện tại.  

Xe nhập khẩu
 
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng công nghiệp ôtô là ngành sản xuất cần phải bảo vệ. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, nếu không bắt đầu đầu tư bây giờ, nước ta sẽ không thể tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp này. Không những vậy, cứ nhập khẩu mãi sẽ làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại, đồng thời tác động đến nền kinh tế vĩ mô.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra là liệu có hạn chế được xe nhập khẩu. Theo cam kết gia nhập AFTA, thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0% và theo ước tính của các doanh nghiệp, giá xe nhập nguyên chiếc sẽ rẻ hơn tới 20% xe sản xuất lắp ráp.
 
Do không đủ kiên nhẫn để chờ đợi tín hiệu hỗ trợ từ phía chính phủ, các hãng xe Việt Nam đã quyết định chọn một con đường mới là giảm sản xuất để gia tăng nhập khẩu. Họ lo sợ khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm xuống, trong khi chưa đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô lớn thì hoạt động sản xuất có nguy cơ phá sản. Như vậy, ôtô nguyên chiếc giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia,... vẫn có cơ hội “sống” Việt Nam.
 
Mới đây, đóng góp về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu của Bộ giao thông Vận tải, Bộ Công thương cho rằng xe nhập cần đi kèm “Giấy chứng nhập chấp nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương”. Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) từng khuyến nghị các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có ủy quyền chính hãng về dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Đây đều là những đề xuất nhằm hạn chế việc nhập khẩu tràn lan nhưng nếu chỉ như vậy, mục tiêu bảo vệ thị trường ôtô trong nước khó đạt được bởi ngay từ phía các nhà nhập khẩu chính hãng, xe nhập vẫn có nguy cơ đổ bộ. Chỉ có những nhà nhập khẩu không chính hãng mới bị “loại” khỏi sân chơi.
 
Bởi vậy, để bảo vệ thị trường nội địa, cần có sự hạn chế xe nhập khẩu, kể cả chính hãng và không chính hãng, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Trưởng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách hội nhập (Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất xe tại Việt Nam còn rất thấp, tương đương 10-30% tùy vào từng dòng xe. Bà phân tích thêm, trong cơ cấu giá thành sản xuất xe ở Việt Nam, các loại phí, thuế chiếm tới 40-50%, còn lại là chi phí sản xuất. Mặc dù vậy, chi phí này lại cao hơn các nước trong khu vực 20%. Nguyên nhân do Việt Nam vẫn phụ thuộc 80% vào nhập khẩu linh kiện bên ngoài.
 
Theo số liệu thống kê của Tổ chức các nhà sản xuất ôtô thế giới (OICA), tính riêng trong năm ngoái, Việt Nam mới xuất xưởng được 50 nghìn xe ôtô, chiếm 0.055% tổng sản lượng trên toàn cầu. Đó là con số rất “khiêm tốn” so với các nước trong khu vực khi Thái Lan đạt 1,91 triệu xe, Indonesia đạt 1,1 triệu xe và Malaysia cũng đạt hơn 600 nghìn xe.
 
Các ý kiến cũng cho rằng những quy định và tiêu chuẩn khắt khe cần áp dụng cả với đại lý bán hàng, không chỉ ở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng. Bên cạnh đó là việc hạn chế số cảng biển (hiện nay là 5) làm thủ tục xe nhập khẩu, tăng thêm các quy định chặt chẽ về đăng kiểm xe nhập, đẩy giá tính thuế với xe nhập lên cao. Khi nào giá xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam cao hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước, thậm chí thuế suất thuế nhập khẩu còn 0% và người tiêu dùng vẫn thấy lựa chọn xe trong nước vẫn có lợi hơn, thì ngành công nghiệp ôtô trong nước mới thành công.