Vì sao xe điện ít bị đạo chích “nhòm ngó”
Dù tỷ lệ trộm ô tô liên tục tăng kể từ năm 2019, nhưng xe điện luôn trong diện ít bị đánh cắp nhất ở Mỹ. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Vì sao đạo chích lại không hứng thú với dòng xe này?
Theo báo cáo của Viện Dữ liệu tổn thất đường bộ Hoa Kỳ, tỉ lệ trộm cắp Tesla Model 3 đời 2021-2023 chỉ là một vụ trên 100.000 xe được bảo hiểm. Trong khi đó, GMC Sierra là 227/100.000 xe, còn Chevrolet Silverado là 96/100.000 xe. Lý giải cho hiện tượng được cho là gây ngạc nhiên với không ít người này, trang Autoevolution đưa ra 5 lý do giải thích nguyên nhân khiến xe điện ít bị đạo chích nhòm ngó.
Hệ thống giám sát dày đặc
Để hỗ trợ người lái, xe điện thường được các nhà sản xuất trang bị nhiều loại cảm biến và camera. Vô hình dung những thiết bị này trở thành hệ thống giám sát xung quanh. Cụ thể: Chế độ Sentry Mode hỗ trợ xe điện Tesla ghi lại hình ảnh môi trường xung quanh, biến xe Tesla trở thành hệ thống giám sát di động. Dĩ nhiên, những tên trộm xe chuyên nghiệp biết điều này, nên thường tránh xa xe Tesla và các loại xe điện khác vì không muốn phải bóc lịch.
Khó tiếp cận và bẻ khóa
Xe điện thường được các nhà sản xuất lắp đặt phần mềm tiên tiến do các hãng xe đã mời các chuyên gia bảo mật phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật. Vẫn biết: Không có hệ thống nào hoàn toàn miễn nhiễm với các cuộc tấn công. Nhưng nếu việc "hack" khiến đạo chích mất nhiều thời gian, thì chúng có xu hướng bỏ qua những "con mồi" khó nhằn.
Một trong những vụ tiêu biểu nhất là thiết bị giả chìa khóa có tên "Game Boy" đã được nâng cấp, tạo điều kiện cho việc tiếp cận xe trở nên dễ dàng hơn. Tiếc là những thiết bị này rất đắt, nên thường không phổ biến.
Nói như vậy không có nghĩa xe điện không bị đánh cắp. Nếu những tên trộm phát hiện ra lỗ hổng mới trong các phần mềm hay khi xe điện trở nên có giá trị hơn, thì số vụ trộm xe điện sẽ gia tăng.
Định vị dễ dàng
Không chỉ có hệ thống giám sát dày đặc, xe điện còn luôn được kết nối GPS. Nhờ đó, chủ sở hữu luôn biết vị trí chính xác của xe. Vì thế, khi bị đánh cắp, việc xác định vị trí để tìm ra chiếc xe bị mất không mất nhiều thời gian như chiếc xe chạy động đông cơ đốt trong thông thường. Cho nên, việc tìm xe điện bị đánh cắp dễ dàng hơn các loại xe khác.
Vẫn biết: Thiết bị theo dõi GPS có thể bị đạo chích vô hiệu hóa. Nhưng vẫn có những biện pháp khác mà các hãng xe có thể thực hiện để ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép xe điện như đưa vào danh sách đen các phương tiện bị đánh cắp, qua đó có thể ngăn kẻ trộm xe truy cập sạc điện ở trạm. Bởi trong khi hầu hết xe xăng dễ dàng bị người khác điều khiển, thì xe điện thường dựa vào kết nối máy chủ. Khi kết nối này bị chặn, xe điện không mấy hữu dụng. Đây cũng là lý do khiến đạo chích tránh xa xe điện.
Thiếu trạm sạc
Thông thường đạo chích thường đánh cắp xe có giá trị cao để bán ở các thị trường khác, nhất là Trung Đông và châu Phi. Vì thế không khó lý giải vì sao những chiếc xe bị đánh cắp nhiều nhất vẫn là SUV và bán tải. Trong khi đó, khách mua xe bị đánh cắp thường không đánh giá cao xe điện do cơ sở hạ tầng sạc ở những quốc gia này chưa phát triển.
Linh kiện khó bán
Ngoài bán cả chiếc, đạo chích có thể tháo dời xe bị đánh cắp để bán các bộ phận, linh kiện trên thị trường chợ đen. Tiếc là với xe điện, các hãng xe không gặp nhiều khó khăn để biết bộ phận nào được lắp vào xe nào. Ngay cả khi mua bộ phận gốc đã qua sử dụng, thì cũng không đảm bảo chúng sẽ hoạt động trên một chiếc xe khác khi chưa được nhà sản xuất cấu hình. Dù chỉ phát huy hiệu quả với các thành phần điện tử mà không phải với các bộ phận cơ khí, nhưng cũng khiến xe điện giảm sức hút với giới đạo chích.
Thêm nữa, nhu cầu mua lại các bộ phận cơ khí cũng không nhiều do lượng người dùng xe điện vẫn chưa lớn. Chỉ một vài mẫu có lượng tiêu thụ đáng kể đủ hấp dẫn đạo chích như xe Tesla, nhưng người dùng dòng xe này thường không mua các bộ phận đã qua sử dụng. Đã vậy, hầu hết xe điện còn mới, nên vẫn còn trong thời hạn bảo hành khiến thị trường xe điện cũ chưa nhiều lựa chọn. Hệ quả là lượng người mua các bộ phận đã qua sử dụng cũng hạn chế.