Vespa Special 50: Kẻ lãng tử hào nhoáng
Lý lẽ của những người chơi xe cổ đậm cá tính như chiếc Vespa Special 50 mạ vàng nghe rất đơn giản và dễ hiểu: “Xe đời mới mua đâu cũng có, chỉ cần có tiền. Riêng dòng xe hàng độc thì đôi khi có nhiều tiền cũng chẳng mua được”. Nhiều người chơi xe đều biết câu truyền miệng “Một ngày được cưỡi Vespa, còn hơn suốt kiếp lê la A còng” (xe ga Honda @ nổi tiếng sang chảnh một thời).
Xu hướng sơn xe màu của kim loại vàng (thường gọi là mạ vàng xe) không lạ lẫm gì với những người Việt chơi xe đình đám. Tiêu biểu trong lớp chơi xe 2 bánh là mẫu siêu tay ga Vespa 946 đắt đỏ (giá 340 triệu đồng) được mạ vàng toàn bộ thân xe (kể cả chân chống) từng thu hút sự chú ý khi xuất hiện tại thành phố Cần Thơ. Đại gia của chiếc xe “vàng” óng ả này còn nắm trong tay những mẫu xe nổi bật khác cũng được chủ nhân mạ vàng như chiếc môtô phân khối lớn hàng độc như “khủng long” Travertson V-Rex, Ducati Diavel, Land Rover Range Rover...
Anh Lư Thanh Hoàng chăm sóc chiếc xế cưng.
Chủ xe Vespa Special 50 mạ vàng hiếm hoi tại Việt Nam, anh Lư Thành Hoàng (anh em chơi xe thường mến gọi là Hoàng Chảy), hội phó của CLB Vespa Sài Gòn, cũng là một người chơi xe có tiếng tại Việt Nam. Nhiều người còn nhớ chuyến xuyên Việt thần tốc táo bạo gây xôn xao cộng đồng chơi xe Vespa trên khắp cả nước vì anh “bay” qua 1.730km chỉ trong 35 tiếng.
Kể về cơ duyên làm xe Vespa cổ mạ vàng, anh Hoàng cho biết: Nhân dịp sinh nhật CLB Vespa Sài Gòn tròn 10 năm, ngày 19/9 (2007 - 2017), anh và các thành viên CLB bàn bạc với nhau cùng làm một chiếc xe ý nghĩa. Từ khi nảy ra ý định mạ vàng xe đến khi hoàn thành xe là tròn 12 tháng.
Vespa Special 50 đời khoảng 1976-1980-1981 trong bài viết này là mẫu xe hiếm có tại Việt Nam. Trước đây xe chỉ được nhập lẻ về Việt Nam theo dạng “hàng xách tay” của thủy thủ. Đầu đèn pha Special 50 cũng như chóa đèn stop đều có hình vuông tạo nên sự khác biệt với nhiều dòng xe Vespa phổ biến khác.
Trong quá trình làm đẹp phục chế xe trở về vẻ đẹp như xe nguyên bản, không chỉ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua hàng mà anh Hoàng còn phải tốn nhiều công sức để tham khảo tài liệu sách báo chọn đặt mua phụ tùng chính hiệu, sau đó lại mất thời gian chờ đợi hàng ship về từ trang eBay.
Chủ xe đặt thợ ở một lò làm đẹp xe tại Sài Gòn mạ vàng toàn bộ xe, kể cả phần niềng, tăm-bua, phuộc trước... Khó khăn nhất là phải tỉ mỉ tháo mở chính xác nguyên vẹn các chi tiết, tấm ốp thân xe... để mạ vàng. Sau đó, thợ sẽ thực hiện nhiều bước xử lý, như dùng máy thổi cát đánh bay lớp sơn cũ, dụng cụ chuyên dụng làm phẳng bề mặt thân xe, đưa xe vào buồng kín dùng dung dịch nước hòa lẫn hóa chất phun liên tục từng đợt khắp thân xe như rửa xe. Chơi xe kiểu mạ vàng mang lại cho chiếc xe cổ nét sang trọng, hiện đại nhưng không quá “lòe loẹt” như kiểu dùng sơn Airbrush.
Nhìn từ góc cạnh nào chiếc xe cũng toát lên vẻ óng ả mê mẩn. Vè chắn bùn hàng gin vồng lên tròn trịa càng thêm nịnh mắt với màu vàng bóng loáng. Có chút gì đó tiếc nuối khi phần chân chống đứng và ống pô nguyên bản không mạ vàng. Yên xe đơn với gù đuôi thời trang thể thao may bọc da 3 màu tượng trưng cho quốc kỳ Ý là hàng sẵn có, đặt mua trên eBay. Xe thay lốp hàng hiệu. Phanh được bảo trì đúng quy định nên bóp nhả ma sát giảm tốc tốt. Khung sườn xe còn nguyên bản với hiện trạng vẫn bảo đảm độ cứng vững. Động cơ còn nguyên bản, vận hành ổn định, êm mượt... nên chỉ bảo dưỡng tra dầu nhớt, không cần phải sửa chữa. Chiếc bánh dự phòng giúp người phượt yên tâm khám phá mọi cung đường bất chấp “đinh tặc” rình rập.
Xe phong cách lãng tử, thoải mái, đúng chất Vintage nên không có đèn xi-nhan, gương chiếu hậu, cụm đồng hồ công-tơ-mét... Dĩ nhiên là không có cả đồng hồ báo xăng! Thường thì chủ xe đã chạy quen xe như lòng bàn tay sẽ dễ dàng ước chừng “đúng đến từng mililit” rằng xe còn chạy được bao nhiêu cây số thì bơm thêm xăng.
Nếu người nào đó còn lăn tăn vấn đề nhỡ xe hết xăng dọc đường thì câu trả lời của người lái xe Vespa giàu kinh nghiệm là chú ý xe có khóa xăng, gạt lẫy khóa về vị trí chính giữa là mặc định xe còn 30% lượng nhiên liệu trong bình. Khi xe có dấu hiệu hết xăng (chạy hơi khựng) thì gạt lẫy khóa sang hết một bên để tiếp tục sử dụng 30% lượng nhiên liệu này trước khi đến trạm xăng.
Chạy xe Vespa Special 50 tuy kiểu dáng tương tự xe ga nhưng đi sâu tìm hiểu cách điều khiển xe mới thấy thú vị. Người lái cần phối hợp nhịp nhàng một chuỗi động tác gồm tay trái bóp càng cắt côn rồi lắc điệu nghệ cổ tay để xoay trục khớp chuyển số, đồng thời tay bên phải phối hợp vặn ga nhuần nhuyễn chẳng hạn “côn ra, ga vào”, “tăng ga, ra côn”... Chân phải luôn trong tư thế gác hờ lên bàn đạp phanh (nằm trên sàn xe) để hãm tốc kịp thời, hỗ trợ kìm ga chuẩn bị vọt... Chiếc Vespa Special 50 tuy nhỏ nhắn nhưng động cơ mạnh mẽ nên anh Hoàng Chảy biểu diễn điêu luyện các động tác bốc đầu xe (Wheelie). Cảm giác làm chủ tốc độ chiếc “xe ga tí hon trở về từ quá khứ” như đang điều khiển một chiếc xe côn tay hiện đại quả thật rất chất.
Hiện nay tại Việt Nam phong trào chơi xe Vespa các loại tưởng như trầm lặng nhưng lại như mạch chảy ngầm. Thoạt nhìn bề ngoài nhịp sống phẳng lặng nhưng mỗi dịp cuối tuần dân chơi xe Việt hẹn nhau hàn huyên bên tách cà phê Ý, được song hành cùng chiếc xe đồng hương, các thành viên hội nhóm chơi xe Vespa lại tưng bừng đủ mọi chuyện vui buồn quanh chiếc xe đã gắn bó với họ hàng vài chục năm. Chiếc xe càng đồng hành càng cho chủ nhân cảm giác thân thuộc, đến mức ghiền, mà người sử dụng xe mới không thể có, chứng tỏ tình yêu dành cho Vespa của một số đông người Việt vẫn còn nồng ấm mãnh liệt và sức sống lâu bền.
Vespa Special là dòng Vespa small-frame, có nhiều phân khúc từ 50-90-100-125cc. Chiếc Vespa Special mạ vàng thuộc dòng small-frame 100cc, hộp số tay 3 nấc, vận tốc cực đại có thể đạt 90-100km/h. Tại Việt Nam hiện nay, dòng xe Minibike này tạo nên nhiều phong cách chơi như sưu tầm xe zin, độ thành xe đi tour hoặc độ racing.