Tesla xếp đầu danh sách hãng có lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất năm 2024
Danh sách những hãng xe có số lượng ô tô dính lỗi, phải triệu hồi nhiều nhất tại thị trường Mỹ đã có sự xáo trộn trong năm 2024. Theo đó, Tesla đã thay thế Ford ở vị trí đầu tiên với hơn 5,1 triệu xe bị triệu hồi.
Trang Carscoops dẫn thống kê của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) cho biết: Đến hết ngày 20/12/2024, Tesla là nhà sản xuất có lượng ô tô bị triệu hồi nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Cụ thể: Hãng xe điện Mỹ đã phải triệu hồi 5.135.697 xe thông qua 15 chương trình triệu hồi được triển khai trong năm 2024.
Nguyên nhân là do hầu hết dòng xe mà Tesla phân phối ra thị trường như Model 3, Model Y và Cybertruck đều dính nhiều lỗi khác nhau, nên phải tiến hành triệu hồi để kiểm tra và khắc phục. Trong đó, mẫu bán tải Tesla Cybertruck phải tiến hành 7 đợt triệu hồi kể từ đầu năm 2024 do gặp phải nhiều vấn đề khác nhau.
Trong khi Tesla xếp đầu về lượng xe bị triệu hồi, thì Tập đoàn Stellantis sở hữu các thương hiệu Chrysler, Dodge, Jeep, Ram và Fiat là hãng có phải tiến hành nhiều đợt triệu hồi nhất. Trong năm 2024, Stellantis đã phải triển khai 67 chương trình triệu hồi với nhiều mẫu xe khác nhau. Tuy nhiên, do lượng xe bị ảnh hưởng chỉ có 4.722.452 xe, nên Stellantis xếp thứ hai, sau Tesla. Như vậy, Stellantis không những không có được tiến bộ mà còn gia tăng đáng kể cả về số chương trình triệu hồi và lượng xe bị ảnh hưởng so với năm 2023. Còn nhớ, trong năm 2023, Stellantis chỉ phải tiến hành 45 đợt triệu hồi với 2.689.297 xe bị ảnh hưởng.
Ford, sau 3 năm liên tiếp xếp đầu, đã có sự tiến bộ khi số lượng xe bị lỗi, dẫn đến việc phải triệu hồi để khắc phục lỗi trong năm 2024 chỉ còn 4.370.701 xe, xếp thứ ba. Vị trí này phần nào ghi nhận nỗ lực của Ford trong nửa cuối năm 2024 khi biết rằng: Hãng xe Mỹ dẫn đầu danh sách nhà sản xuất có lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất nửa đầu năm 2024 và ít hơn rất nhiều so với 5.881.949 xe bị triệu hồi trong năm 2023. Tuy nhiên, Ford (bao gồm cả Lincoln) vẫn là hãng xe có đợt triệu hồi nhiều thứ hai với 62 chương trình, chỉ sau Stellantis.
Xếp ở vị trí thứ 4 là Honda cùng thương hiệu ô tô hạng sang Acura. Dù được đánh giá cao về độ an toàn và khả năng vận hành tiết kiệm, nhưng trong năm 2024, Honda vẫn phải thực hiện 18 chương trình triệu hồi với 3.794.113 xe bị ảnh hưởng, bao gồm cả xe Acura. Con số này khiến không ít người bất ngờ.
Xếp thứ 5 là General Motors (GM). Hãng xe danh tiếng đến từ Mỹ có lượng xe dính lỗi, phải triệu hồi lên đến gần 1,9 triệu xe trong năm 2024, bao gồm các thương hiệu Buick, Cadillac, Chevrolet và GMC thông qua 33 chương trình triệu hồi.
Xếp ở nửa cuối TOP 10 là BMW, Toyota/Lexus, KIA, Hyundai/Genesis và Volkswagen. Trong đó,
BMW xếp thứ 6 với 1,8 triệu xe bị triệu hồi trong năm 2024. Toyota và thương hiệu xe sang Lexus xếp thứ 7 với 1,22 triệu xe. KIA ở vị trí thứ 8 với 1,21 triệu xe. Hyundai cùng với thương hiệu hạng sang Genesis phải triệu hồi 1,11 triệu xe. Volkswagen (bao gồm Audi) với 1,09 triệu xe bị triệu hồi trong năm 2024. Các nhà sản xuất khác gồm Subaru, BYD, Ferrari và VinFast đều đã triển khai ít nhất 1 đợt triệu hồi ô tô tại thị trường Mỹ trong năm 2024.
10 nhà sản xuất ôtô có nhiều xe bị triệu hồi nhất năm 2024 |
|||
STT |
Hãng |
Số xe triệu hồi |
Số vụ triệu hồi |
1 |
Tesla |
5.135.697 |
15 |
2 |
Stellantis |
4.722.452 |
67 |
3 |
Ford |
4.370.701 |
62 |
4 |
Honda/Acura |
3.794.115 |
18 |
5 |
General Motors |
1.872.521 |
33 |
6 |
BMW Mỹ |
1.832.968 |
36 |
7 |
Toyota/Lexus Mỹ |
1.221.666 |
16 |
8 |
KIA Mỹ |
1.211.778 |
19 |
9 |
Hyundai/Genesis Mỹ |
1.109.978 |
25 |
10 |
Volkswagen/Audi Mỹ |
1.088.407 |
18 |
Nguồn: NHTSA |
Đây chưa phải bảng xếp hạng chính thức do số liệu thống kê mới được cập nhật đến ngày 20/12. Dù vậy, những xáo trộn trong danh sách hãng xe có lượng triệu hồi nhiều nhất tại Mỹ đến thời điểm hiện tại đã phần nào phản ánh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành công nghiệp ôtô cũng như những thách thức trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm mà các hãng xe phải đối mặt. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất khi vừa phải gia tăng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa cần giảm thiểu các chiến dịch triệu hồi để nâng cao niềm tin của khách hàng, góp phần gia tăng sức cạnh tranh trước các đổi thủ.