Những công nghệ ôtô tái xuất sau một thời gian khai tử

Với những tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là khoa học máy tính, nhiều công nghệ ô tô từng bị khai tử đã có màn tái xuất khi thời cơ đến. Thậm chí, không ít tính năng còn trở nên không thể thiếu trên ô tô ở thời điểm hiện tại.

Do không đủ hỗ trợ để giúp hệ thống hoạt động đúng cách hoặc đủ độ tin cậy, nên nhiều công nghệ trên ô tô đã bị khai tử. Tuy nhiên, những bước tiến trong ngành khoa học máy tính đã tạo cơ hội hồi sinh cho những công nghệ này, thậm chí còn trở thành tính năng tiêu chuẩn trên ô tô. Hệ thống tăng áp, đèn pha tự động, động cơ điện và bảng điều khiển kỹ thuật số là bốn trong số đó.

Hệ thống tăng áp

Bằng sáng chế năm 1905 của kỹ sư người Thụy Sĩ có tên Alfred Büchi làm việc ở hãng công nghệ Sulzer vẫn được coi là khai sinh ra bộ tăng áp của động cơ ôtô turbocharger. Sau đó, một số thiết kế nguyên mẫu và bằng sáng chế khác nhau xuất hiện.

Đến năm 1925, Alfred Büchi đã trở thành người đầu tiên thương mại hóa bộ tăng áp cho các động cơ dầu 10 xi-lanh, giúp tăng công suất từ 1.300 mã lực lên 2.500 mã lực. Động cơ này dã được sử dụng cho hai tàu thủy chở khách cỡ lớn trước khi thiết kế được cấp phép cho nhiều nhà sản xuất để lắp trên các sản phẩm trong lĩnh vực hàng hải và đường sắt.

Ứng dụng thực tiễn đầu tiên cho xe tải được hãng sản xuất xe tải Thụy Sĩ Saurer hiện thực hóa vào những năm 1930. Sau đó, các hãng sản xuất ôtô bắt đầu nghiên cứu động cơ tăng áp trong những năm 1950. Tiếc là độ trễ turbo và kích thước quá khổ của bộ tăng áp không được giải quyết vào thời kỳ đó. Những mẫu xe đầu tiên sử dụng bộ tăng áp trong thời gian ngắn như Chevrolet Corvair Monza và Oldsmobile Jetfire đều ra mắt năm 1962.

Phải hai thập kỷ sau, việc ứng dụng hệ thống tăng áp trên ôtô con mới thực sự bắt đầu theo cách làm tăng hiệu suất trên những dòng động cơ cỡ nhỏ.

Đèn pha tự động

Năm 1952, Cadillac từng ra mắt phiên bản đèn pha tự động thời kỳ đầu với tên gọi Autronic Eye. Tuy nhiên, sản phẩm đã ngay lập tức nhận được nhận xét “hệ thống khá tệ” của nhiều người sử dụng. Vì thế, tính năng này không phổ biến.

Phải đến những năm 1960, công nghệ này mới xuất hiện trở lại khi General Motors giới thiệu Twilight Sentinel, thiết bị cảm biến ánh sáng tự nhiên và bật/tắt hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài xe tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng. Ngày nay, đèn pha tự động hay đèn pha tự động thích ứng chủ yếu lấy cảm hứng từ những mẫu xe như Citroen DS và SM (năm 1967) cũng như Tucker 48 (năm 1948).

Động cơ điện

Không phải đến bây giờ động cơ điện mới nhắc đến nhiều khi so sánh về độ sạch, sự yên tĩnh với động cơ đốt trong. Bởi động cơ điện đã xuất hiện từ cuối những năm 1890 và đầu những năm 1900. Tiếc là động cơ xăng và dầu lại nhẹ và rẻ hơn, trong khi pin của động cơ điện thời kỳ đầu không dự trữ được nhiều năng lượng như bây giờ, nên không được phát triển thêm.

Do đó, phải 100 năm sau, xe điện mới thực sự trở lại. Lúc đầu là sự xuất hiện của mẫu bán tải điện Chevrolet S-10 (1997-1998) dựa trên General Motors EV1 - xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên (1996-1999). Kế đến là Chevrolet Volt hay Nissan Leaf.

Bảng điều khiển kỹ thuật số

Kể từ khi xuất hiện trên khu vực táp-lô, màn hình thông tin giải trí kỹ thuật số cỡ lớn đã thay đổi rất nhiều. Từ những năm 1980, công nghệ bắt đầu được sử dụng, nhưng dần bị các hãng xe từ bỏ vào cuối thập kỷ. Tuy nhiên, nhờ lợi thế về công nghệ cũng như tính thực tiễn so với đồng hồ analoge như khả năng hiển thị định vị, đồng hồ và màn hình kỹ thuật số ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

Công nghệ giao tiếp trên ôtô cũng xuất hiện cùng thời điểm với bảng điều khiển kỹ thuật số (đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX). Nhưng phải hàng chục năm sau, tính năng này mới trở nên phổ biến và hoạt động tốt hơn, nhất là với sự tham gia của tính năng trợ lý ảo.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn