Ngày này năm xưa : Tuần thứ hai tháng 1 – Henry Ford và sáng chế giảm trọng lượng xe
Henry Ford được mệnh danh là “vua xe hơi” khi chế tạo ra những mẫu xe độc đáo, một vài chiếc trong số đó là những mẫu xe đầu tiên cung cấp cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên tài năng của ông nằm ở một lĩnh vực hơi khác biệt: sản xuất hàng loạt. Ông phát triển phương pháp lắp ráp theo dây chuyền, tạo ra các linh kiện có thể dễ dàng thay thế cùng rất nhiều giải pháp tiến bộ khác nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất. Khi phát hiện sơn màu đen là loại sơn khô nhanh nhất trên xe hơi, ông lập tức chuyển sang sản xuất xe với màu sơn đen.
Tuần thứ hai của năm 1942 là một tuần đầy ắp sự kiện đối với Henry Ford. Ngày 13/1/1942, Ford được cấp một bằng sáng chế khác liên quan đến tầm nhìn rộng lớn của ông về sản xuất hàng loạt. Đó là việc sử dụng chi tiết bằng chất dẻo, hay còn gọi là nhựa plastic. Không giống với các loại plastic ngày nay, thứ chất dẻo mà Ford sử dụng được chế tạo từ hỗn hợp nhiều thành phần bao gồm đậu nành, lúa mì, cây gai dầu, lanh và gai. Đậu nành được kéo thành sợi và ngâm trong thùng chứa phenon và hợp chất hữu cơ formaldehyd, sau đó trải qua các công đoạn xử lý hóa học để tạo ra plastic. Đầu những năm 1940, Ford đã thử nghiệm các chi tiết làm bằng loại plastic này trên một chiếc xe mà ông gọi là “xe đậu nành” (Soybean Car). Chiếc xe có khung làm bằng thép ống với 14 chi tiết làm từ “plastic đậu nành”. Nó chỉ nặng 907 kg, nhẹ hơn một nửa so với xe có các chi tiết làm hoàn toàn bằng thép. Tại một sự kiện cộng đồng thường niên có tên là Dearborn Days tổ chức vào ngày 13/8/1941, Ford đã gây ấn tượng mạnh cho công chúng khi trưng bày chiếc xe Soybean Car và dùng rìu chặt nhiều lần vào chiếc nắp bằng plastic gắn phía sau xe. Kết quả là miếng plastic không hề hấn gì, còn chiếc rìu văng khỏi tay Henry Ford. Với cách thử nghiệm “người thật việc thật” như thế, Ford chứng minh chiếc xe có chi tiết làm bằng plastic vừa an toàn, cứng không kém gì thép, vừa nhẹ hơn các xe bằng thép truyền thống và tuyên bố rằng xe hơi thậm chí có thể cán qua miếng plastic nhưng nó không bị nghiền nát. Trong bản thuyết minh để nhận bằng sáng chế, Ford cho biết vật liệu plastic có thể giúp tạo ra những chiếc xe hơi ít tiếng ồn hơn, đồng thời plastic có thể đúc thành các chi tiết có kích cỡ chính xác và thay thế dễ dàng trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Ông Henry Ford thử nghiệm dùng rìu chặt vào tấm plastic
Mẫu xe Jeep của Ford chế tạo cho quân đội Mỹ
Nhìn lại sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi thế giới, việc tiết giảm trọng lượng xe luôn được coi là xu hướng chủ đạo ở mọi hãng xe bởi trọng lượng nhẹ là một lợi thế rõ ràng trong cuộc đua sản xuất ra những chiếc xe ngày một nhanh hơn. Sáng chế sử dụng vật liệu plastic trên xe hơi của Henry Ford hồi ba phần tư thế kỷ trước cũng giống như xu hướng sử dụng vật liệu sợi carbon và hợp kim nhôm siêu nhẹ trên các xe hơi hiện đại ngày nay vậy. Thế nhưng rốt cuộc chiếc xe Soybean Car và việc áp dụng đại trà vật liệu plastic đã bị gián đoạn bởi một lý do không kém phần quan trọng. Chỉ trước khi nhận được bằng sáng chế 3 ngày, ngày 10/1/1942, quân đội Mỹ đã trao cho Ford hợp đồng sản xuất xe Jeep để phục vụ quân đội tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Trong cuộc thử nghiệm các mẫu xe dành cho quân đội của 3 hãng Bantam, Willy và Ford, hãng Willy đã giành được hợp đồng sản xuất xe Jeep. Tuy nhiên việc Mỹ và lực lượng Đồng Minh mở mặt trận phía Tây chống lại quân Đức đã khiến nhu cầu trang thiết bị quân sự tăng lên chóng mặt và do đó Ford được giao hợp đồng sản xuất các phiên bản copy của thiết kế xe Jeep Willy với tổng trị giá 14,6 triệu đô la. Nếu không có hợp đồng này, rất có thể công nghiệp xe hơi đã có một nhánh phát triển táo bạo nhờ việc ứng dụng rộng rãi vật liệu nhẹ vào xe hơi mà người khởi đầu là Henry Ford.