Hàng hiếm Sài thành – Honda Steed phuộc giò gà
Chủ xe, một dân chơi môtô thuộc dạng “2 tay 2 súng” (vừa sưu tầm xe lâu năm vừa thạo sửa xe bậc nhất Sài Gòn), cho biết: Tôi từng sử dụng nhiều xe Steed phiên bản khác nhau nhưng thực sự đến chiếc xe có “cặp chân dài nuột nà” còn gin này đã làm tôi… ghiền.
Riêng mô hình giảm xóc kiểu phuộc giò gà đã được hãng Honda trang bị rộng rãi cho một số sản phẩm của mình, nhưng tại Việt Nam đa số chỉ là những dòng xe máy phổ thông như Cub (Cheap Urban Bike). Bánh trước gắn phuộc gà có độ đàn hồi nhạy nên giúp cho những chiếc xe nhỏ bé này chạy rất êm ở bất cứ con đường lồi lõm hoặc lối mòn gập ghềnh nào. Chuyển sang mẫu xe Honda Steed 400 VLS, thiết kế phuộc giò gà đồ sộ vừa là hàng hiếm vừa đem lại vẻ đẹp cổ điển đậm đà cho mẫu môtô đường trường này.
Cấu trúc khá cầu kỳ của phuộc, với hệ thống thanh giằng kép ở phần tiếp cận với trục bánh, làm liên tưởng đến nét tương tự như hệ thống treo trước Trailing Bottom-Link trên mẫu xe cruiser nổi tiếng Honda Valkyrie Rune cũng như kiểu phuộc của những mẫu môtô Harley-Davidson Cross Bones hoặc Walz Hardcore Cycles Hardcord Bobba 2007… Trong phuộc giò gà, hệ thống thanh đà được gắn kết sắc sảo, các mép nối liền khít nhau nhằm giảm thiểu dằn xóc, giải tỏa mối lo ngại của người lái đối với hiện tượng nguy hiểm là phanh nhào, vốn có thể gặp trên hệ phuộc thủy lực ống lồng, nhất là khi xe chở nặng và phanh gấp, lại gặp ổ gà ổ voi.
Không hổ danh “chiến mã thép”
Sau khoảnh khắc đề máy, chút hụt hẫng với kiểu đồng hồ công-tơ-mét “kiểu xưa” (không hiển thị vòng tua máy) sẽ qua mau khi cảm giác “ngựa chiến” nổ máy trầm ấm uy lực nhưng không quá rung giật. Tiếng pô “bật” ra nghe chắc nịch. Tên xe Steed, trong tiếng Anh có nghĩa là “chiến mã”, đã phần nào nói lên sự tự tin của những kỹ sư thiết kế và chế tạo nên mẫu xe này. Dù bất ngờ vít ga, tiếng pô chỉ thoáng gầm nhẹ chứ không hú hét thô lỗ, nhưng tay côn, tay phanh đều được căn chỉnh nhịp nhàng, độ bám nhả vừa ý dù điều khiển ở cường độ liên tục. Cảm giác độ phản hồi rất chính xác, khi bóp không cảm nhận bám bắt được độ rơ của càng phanh, côn. Trên phố, xe chạy đầm, tay lái xoay trở nhẹ nhàng linh hoạt như đang cầm lái một chiếc xe máy nhỏ nhắn thông thường.
Nhìn chung, dòng xe cruiser nói chung và Steed nói riêng từ lâu vẫn được nhiều tay lái thuộc các CLB hội nhóm đoàn môtô tại Việt Nam đặc biệt ưa thích, vì kích thước xe, nhất là phần yên ngồi lái, phù hợp với tầm vóc của đa số tay lái người Việt. Đồng thời, hệ động lực của chiếc xe tuy chỉ 400 phân khối nhưng cũng không đến nỗi nào. Được mệnh danh là “chiến mã thép”, Steed 400 VLS càng trải qua thời gian dài sử dụng thì càng chứng tỏ “đường dài mới biết ngựa hay”.
Còn nhiều chi tiết đẹp và nguyên bản
Anh Nguyễn Bình Yên, chủ xe, là một người thợ vững tay nghề, nhiều kinh nghiệm chuyên sửa chữa độ chế những chiếc môtô PKL của khá nhiều dân chơi tại Sài Gòn. Trong đó gồm nhiều dòng môtô PKL khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong một thương hiệu xe nào. Anh chia sẻ, chiếc xe này làm anh cảm thấy rất gắn bó vì nó còn lưu giữ được rất nhiều chi tiết từ thuở xuất xưởng, gồm đèn pha hình nón thon nhỏ kiểu cổ điển mạ crôm toát lên nét thanh thoát và sang trọng; bình xăng hình giọt nước tròn trĩnh theo phong cách Flangeless; phần lốc máy choãi rộng và tấm ốp két nước thuôn dài gợi lên “chất” Chopper; bình xăng mở ra còn vụt sáng ánh thép giống như xe khui thùng chưa bao lâu; bình xăng con vẫn lóng lánh 7 màu; các bề mặt lẫn mối nối khung sườn xe không vết mục gỉ; ống pô gin chưa móc; máy xe chưa phải tháo rã sửa chữa.
So với mẫu Steed tiêu chuẩn, phiên bản Steed phuộc giò gà sở hữu kiểu thiết kế đuôi xe và phần bửng chắn bùn kéo dài giúp dáng xe “trường” hơn và uốn lượn tinh tế thu hút tầm mắt hơn. Với kết cấu phuộc trước cũng như khung sườn vươn dài và choãi rộng như chữ M kéo giãn, Steed tạo cho người lái ấn tượng thân xe khá đồ sộ và vững chắc. Ngoài ra, đặc điểm bánh trước lớn và bánh sau nhỏ hơn hẳn (sự chênh lệch giữa 2 bánh đến 6 inch) tạo dáng xe chếch cao về phía trước thật hùng dũng. Biến hóa gây ngạc nhiên hơn, nhóm thợ độ xe của hãng Heiwa (Nhật Bản) còn tạo ra một tác phẩm lãng mạn với chiếc Honda Steed Love sơn màu hồng nhạt, kết hợp cặp ống pô và bầu lọc gió đều được tạo khuôn hình trái tim.
Honda Steed 400 VLS như “cầu nối” từ những mẫu cruiser Honda Rebel 250 đến Shadow 600, Magna 750, Shadow 1100… nên mẫu xe này chiếm vị trí khá đặc biệt trong ký ức những người chơi môtô PKL kỳ cựu. Đặc biệt Steed giò gà là một trong những mẫu môtô mà không phải lúc nào có tiền cũng sẵn mua được. “Vì thế, tôi thường bối rối khi có người kèo nài tôi bán chỉ… cặp phuộc giò gà của chiếc xe!”, anh Yên bày tỏ.
Ngoài ra, một số dân Việt độ xe từng dày công “biến hình” Honda Steed kiểu Batman, Custom Chopper, Bobber giò gà, Spirit đẹp long lanh và đầy chất chơi lãng tử. Hoặc “đơn giản” hơn – độ vẽ airbrush. Thế nên, mỗi khi nhắc đến tên Honda Steed là những người sành chơi môtô PKL lại sôi nổi hẳn lên, như muốn tìm lại một quá khứ, chưa xa, và đong đầy kỷ niệm về một trong những mẫu xe từng có giai đoạn khá dài gắn bó với họ.
Vì sao sự ra đời của Honda Steed phuộc giò gà tạo ấn tượng mạnh?
Ngày 9/2/1998 là một trong những thời điểm khó quên của Honda khi trang trọng trình làng sản phẩm mới đặc biệt – mẫu môtô cruiser Steed 400 VLS (V-Twin Lowered Springer front end), với thiết kế phuộc giò gà rất hiếm thấy trên các thế hệ môtô PKL hiện đại nói chung.
|
Một số kiểu phuộc “quái” hiếm gặp tại Việt Nam
Bộ phận giảm xóc, hay người Việt thường gọi là “phuộc”, bắt nguồn từ tiếng Pháp (fourche) hay tiếng Anh (fork) nghĩa là cái xiên ở đầu chia thành nhiều nhánh, là hình ảnh quen thuộc của cặp ống nhún gắn trên chạc ba xe máy. Song hành với vô vàn mẫu xe máy trải qua hơn 100 năm, phuộc cũng biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau. Hiện nay, ngoài loại phuộc thủy lực ống lồng (Telescopic) thông dụng thì hệ thống phuộc trước của môtô PKL còn có nhiều cải tiến kiểu dáng khá kỳ quái, như phuộc tay đòn xa Saxon-Motodd (Telelever), phuộc tay đòn đôi Hossack/Fior (Duolever), phuộc treo đồng trục (Coaxial steering front suspension), phuộc đơn lệch tâm hình chữ U (U-shape), thậm chí là không phuộc (Non-forks) như trên mẫu môtô trang bị hệ trục lái trung tâm (Hub-center steering).
|
HONDA STEED 400 VLS 1998
|
|
HẠNG MỤC
|
THÔNG SỐ
|
Dài x rộng x cao (mm)
|
2.335 x 765 x 1.115
|
Chiều dài cơ sở (mm)
|
1.620
|
Độ cao yên xe (mm)
|
670
|
Khoảng sáng gầm xe (mm)
|
130
|
Trọng lượng ướt/khô (kg)
|
223/211
|
Động cơ
|
Xăng, OHC, 4 thì, 2 xi-lanh xếp chữ V (V-Twin), dung tích 398 phân khối, làm mát bằng dung dịch
|
Đường kính x khoảng chạy pít-tông (mm)
|
64 x 62
|
Công suất cực đại (mã lực/v/ph)
|
31/7.500
|
Mô-men xoắn cực đại (Nm/v/ph)
|
34/5.500
|
Tỷ số nén
|
10,3 : 1
|
Truyền động
|
Xích tải. Hộp số 5 tốc độ.
|
Tốc độ tối đa (km/h)
|
160
|
Cỡ lốp trước/sau
|
90/90-R21 / 170/80-R15
|
Hệ thống phanh trước/sau
|
Đĩa + 2 piston/Tang trống
|
Hệ thống treo trước/sau
|
Phuộc kép giò gà/Giảm xóc đôi thủy lực ống lồng lò xo trụ
|
Dung tích bình xăng (lít)
|
9,7
|
Tiêu thụ nhiên liệu theo thử nghiệm của Honda khi xe chạy 60km/h trên đường phẳng (km/lít)
|
37,2
|
Màu xe
|
Đen, xanh đen, đỏ đô
|