Diorama Garage: Sở thích đậm chất nghệ thuật dành cho fan xe
Diorama có nghĩa nguyên thủy là “bức tranh có chiều sâu”. Với dân chơi sưu tầm mô hình, diorama (sa bàn) được hiểu đơn giản là thú chơi sắp xếp mô hình tĩnh mô phỏng một góc sự kiện bằng die-cast (những thứ được đúc khuôn). Diện tích diorama to nhỏ khác nhau, tùy chủ đề người chơi chọn, có khi chỉ là 1m2, nhưng cũng có thể là 10m2. Trên thế giới, diorama đã xuất hiện từ lâu và có nhiều chủ đề rất phong phú. Nhưng tại Việt Nam thường tập trung theo 3 chủ đề như garage (tỷ lệ chuẩn 1:18), house - nhà (1:18), garden - vườn (1:24).
Sau khi người chơi xe mô hình có được bộ sưu tập số lượng lớn cũng như nắm vững kỹ thuật sơn phủ, tháo ráp các loại mô hình tĩnh như ôtô, môtô, xe tăng, máy bay, tàu bè, phi thuyền, người, động vật... họ sẽ có nhu cầu tập hợp chúng lại thành diorama. Trong diorama sẽ có sự phối hợp nhiều mô hình tĩnh khác nhau theo bố cục nhất định với mục đích diễn tả lại khoảnh khắc lịch sử nào đó hay chỉ đơn thuần đưa thực tế cuộc sống vào những mô hình cứng nhắc.
Ông Hoàng Tiến Thịnh - thành viên câu lạc bộ chơi mô hình tại TP.HCM - cho biết: “Sau hơn 10 năm sưu tầm mô hình xe các loại lên đến vài trăm chiếc, tôi bắt đầu gắn kết chúng trong những diorama garage, nhà và vườn. Với tôi, đây là cách trưng bày xe mô hình hấp dẫn hơn hẳn cách truyền thống là đặt chúng trong những tủ kính quen thuộc”.
Mô phỏng các garage sửa xe trong thực tế, diorama garage cũng gồm các thiết bị nâng, có mặt đầy đủ dụng cụ kiểm tra bảo dưỡng sửa chữa, các kho chứa phụ tùng và dĩ nhiên không thể thiếu đội ngũ thợ sửa xe. Ngoài các chi tiết động cơ được bán sẵn, người chơi có thể rã máy xe mô hình để lấy thiết bị bổ sung cho phần trưng bày thêm đa dạng. Tùy độ am hiểu kiến thức chuyên ngành sửa chữa xe các loại, người chơi có thể thay đổi vị trí dụng cụ thiết bị máy móc trong diorama garage tùy thích, miễn sao hợp lý về tỷ lệ kích thước và trình tự kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần bố trí hợp lý giữa hệ thống chiếu sáng hài hòa và dàn loa mô phỏng âm thanh chân thật của cuộc sống. Tất cả nhằm thu hút nhiều thưởng lãm cũng như kéo dài thời gian “chiêm ngưỡng” của họ. Mỗi bộ diorama garage có giá từ hàng trăm USD trở lên.
Hiện tại, thị trường không thiếu đồ chơi phục vụ dân mê diorama garage, tiêu biểu là các sản phẩm mô phỏng xưởng sửa chữa xe hơi được nhập từ Mỹ của các hãng sản xuất quen thuộc trên thế giới như: Snap-on, GMP, Mattel, Chevrolet Racing… Xe mô hình “hàng độc” trưng bày trong garage là sản phẩm của các nhãn hiệu uy tín như: Auto Art, Maisto, Hotwheels, Minichamps…
Tại Việt Nam, hiện chưa có câu lạc bộ chuyên về diorama garage, chỉ có hai bộ sưu tập diorama garage đáng chú ý của ông Việt Nguyễn ở miền Bắc và tay chơi nickname 250supercar ở miền Nam. Ngoài ra, những người quan tâm có thể liên hệ với ông Lý Được chơi diorama train (xe lửa mô hình), ông Triết ở Đà Nẵng chơi diorama airport (sân bay mô hình) hoặc vào các trang công cụ tìm kiếm trên Internet để có thêm nhiều thông tin hơn nữa về môn chơi này.