Cận cảnh xe đạp National “hiếm lạ”đắt ngang chiếc SH tại Sài Thành
Chiếc xe “có một không hai” được mua tại Nhật Bản với mức giá gần 520.000 Yên Nhật đã có mặt tại Sài Gòn. Người mua cũng bỏ công mất 2 năm săn tìm chiếc xe đạp của hãng National Nhật Bản sản xuất 1967.
Trong vô vàn thú chơi sưu tầm đồ cũ thì việc săn lùng những xe đạp cổ hiện nay đòi hỏi tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc nhưng bù lại được sở hữu những xe đạp độc không ai có. Tại TP.HCM, anh Toàn Phát cũng là một người có niềm đam mê xe cổ được nhiều người biết đến. Hiện riêng bộ sưu tập xe đạp cổ của anh cũng đã lên đến gần 20 chiếc, có những xe thuộc hàng hiếm, thậm chí là “chỉ có một không hai” tại Việt Nam. Không tham gia nhóm hội xe đạp cổ nào, nhưng “yêu đắm say” những chiếc xe cũ kỹ nên anh Phát bỏ khá nhiều thời gian để theo đuổi cũng như tự nghiên cứu. Anh đã thầm lặng mày mò tìm hiểu và sở hữu cho riệng mình những chiếc có tuổi thọ lên đến 60 tuổi, nhưng lăn bánh chưa tới 1 km.
Đối với anh, tình yêu dành cho những chiếc xe đạp này là bất tận, những chiếc xe đạp được anh giữ rất kỉ, có lần anh sang tận Nhật Bản để tham gia phiên đấu giá dành cho xe đạp “cổ”nhưng không phải lúc nào cũng thành công, không ít lầntrở về với bàn tay trắng. Nhưng anh không từ bỏ ý định. Sau 2 năm săn tìm, anh cũng đấu giá thành công chiếc xe đạp do hãng National Nhật Bản sản xuất 1967 với giá 520.000 Yên Nhật và mẫu xe này chỉ còn sót lại một chiếc duy nhất.
Anh Toàn Phát tâm sự thêm: “không có cái gì nó sướng bằng cái mà mình mua được, tìm hiểu và mua được chiếc xe mình thích mà tận tay mình gáp chiếc xe, có khi bỏ công việc kinh doanh để ráp từng chi tiết trên xe, quên cả ăn và thức đêm để sớm hoàn thành chiếc xe đem khoe cùng bạn bè”.
Với xe đạp “độc” anh sở hữu cũng “kén” thợ lắp ráp và chỉnh sửa vì phụ tùng thay thế không có,và các thợ không dám nhận làm vì “xe cổ giá trị lớn”. Có lần anh mời thợ chuyên sửa xe đạp có tiếng nhưng bị từ chối vì xe này không có đồ thay thế, một khi hư hay mất ốc vít có đồ thay nhưng không đem lại được chiếc xe gin nguyên bản, hầu như thợ đều từ chối và anh phải tự tay làm và đã hy sinh 1-2 chiếc để lấy phụ tùng thay thế.
Nhìn trực diện xe cũng không thấy gì lạ so với những xe đạp hiện nay nhưng ngắm kỹ sẽ thấy có nhiều điểm khác.Toàn bộ khung xe được đúc nguyên khối, không có một vết chấp nối hay mối hàng xuất hiện trên khung xe, trọng lượng xe khá nặng với 30 kg cùng mã số khung “88L5520”.
Tay lái có thiết kế theo chữ “M” cùng gương chiếc hậu đặt bên tay phải, các chi tiết đèn chiếu sáng ban đêm, đèn xi nhan, đèn phanh được sử dụng chung với bình điện 6V 3.2W, ống bơm, đồng hồ đo tốc độ anolog cũng được trang bị trên mẫu xe này. Xe hầu như mới 100 %, chưa một lần lăn bánh, mặc dù trải qua gần 50 năm nhưng các chi tiết trên xe không một vết hoen ố hay gỉ sét.
Với những ai lần đầu nhìn thấy mẫu xe đạp này sẽ ngỡ ngàng và thích thú với cùm tăng líp xe có thiết kế như cần số tự động ứng dụng trên các xe ô tô, chi tiết có thể không thể bỏ qua hệ thống phanh đĩa sau là loại phanh dầu, cùm dầu nằm trên tay thắng và đĩa sau loại thép khá dầy và chắc chắn. Đây có thể thấy được bước phát triển vượt thời đại của nước có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản hiện nay.
Cho đến nay cùng sự phát triển của xã hội, nhưng ở đâu đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh chiếc xe đạp chạy chậm rãi cùng tiếng chuông reng reng hay tiếng líp xe kêu “ton ton” trong những con hẻm nhỏ làm gợi nhớ về thời bao cấp và cho dù xã hội phát triển như thế nào đi nữa thì tình yêu cho xe đạp là bất tận và mọi người thường hay gọi với các tên thân quen “xe điếc”.
Vài hình ảnh xe đạp “độc”: