Cẩm nang lái xe máy du Xuân
Ngày xuân năm mới, chẳng gì thú vị bằng được cùng bạn bè du ngoạn tới những vùng đất xa xôi để tận hưởng một không khí khác lạ, trong lành và tinh khôi. Du lịch bằng xe máy - thứ phương tiện vô cùng tiện lợi, đơn giản và rẻ tiền, có thể tới được mọi hang cùng ngõ hẻm, thích đâu dừng đó không phụ thuộc vào ai cả.
Đi xa bằng xe máy thường chỉ phù hợp với người trẻ, có sức khỏe và ưa khám phá. Và để có được một chuyến du xuân bằng xe máy an toàn và thành công, cần có một số kinh nghiệm và kỹ năng xử lý trước khi lên đường, tránh những tai nạn đáng tiếc và sự cố có thể khiến chuyến đi mất vui hay thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Chuẩn bị
Với những cung đường xa, có thể phải vượt đèo lội suối, tuyệt đối không nên đi xe tay ga (scooter) vì loại xe này thường sử dụng hệ thống truyền động vô cấp bằng ly hợp ly tâm, nghĩa là khi vòng tua máy thấp, mô-men xoắn của động cơ sẽ không truyền ra bánh sau nên khi xuống dốc sẽ bị trôi xe, bắt buộc phải rà phanh rất nguy hiểm (đĩa phanh nóng và dễ mất ma sát).
Kiểm tra, bảo dưỡng kỹ xe trước khi lên đường bao gồm: thay dầu bôi trơn, vệ sinh lọc gió, giảm xóc, hệ thống phanh, hệ thống đèn pha, xi-nhan, còi, săm, lốp, nhông xích… Rất nhiều tai nạn hay sự cố dọc đường xảy ra do nguyên nhân là xe bị hỏng hoặc không đảm bảo vận hành trên quãng đường dài. Cần mang theo một số đồ nghề để sửa chữa nhỏ như tua-vít, kìm, cờ lê phù hợp với chiếc xe của mình.
Chỉ mang các đồ dùng tối thiểu phù hợp cho mục đích chuyến đi. Nhiều người do chưa có kinh nghiệm thường mang quá nhiều đồ nên chằng buộc cồng kềnh trên xe rất nguy hiểm. Đồ phải được buộc chặt gọn gàng vào phía sau xe bằng dây chun loại tốt sao cho không bị rơi, tuột khi đi trên những đoạn đường xóc, tuyệt đối không nên để đồ phía trước mặt hoặc gây vướng víu tay lái.
Nhiều bạn trẻ do chưa có kinh nghiệm thường mang quá nhiều đồ nên chằng buộc cồng kềnh trên xe rất nguy hiểm
Trang phục bảo hộ khi đi xe máy nên là loại bảo hộ, nếu đúng loại cho dân đi xe máy càng hay, vì dù kỹ năng tốt và người cầm lái cẩn thận đến đâu, tai nạn vẫn có thể xảy ra. Hãy mặc quần áo dày với bọc đầu gối, khuỷu tay, đi găng tay, giày cao cổ mũi cứng và đội mũ bảo hiểm cả đầu. Loại mũ này có kính kèm theo không chỉ đỡ rét, chống cản gió lại rất tiện khi vào lúc chiều tà, không bị côn trùng bay vào mắt.
Đi trên đường
Đi đúng phần đường, làn đường, tốc độ vừa phải, chú ý luôn luôn quan sát phía trước và phía sau (bằng gương hậu), cảnh giác với mọi tình huống nguy hiểm.
Du Xuân ở những nơi xa như vùng núi sẽ gặp phải nhiều khó khăn về đường sá
Khi vượt xe ôtô phải chú ý quan sát phía trước, phía sau, tuyệt đối không vượt khi có xe chạy ngược chiều, khi xe phía trước đang chuẩn bị vượt một xe khác. Không vượt trong những khúc cua hoặc đoạn đường bị khuất tầm nhìn. Khi vượt phải có tín hiệu (nháy đèn pha, xi-nhan, còi) để báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Giữ khoảng cách an toàn với xe muốn vượt qua, không tạt đầu xe sau khi vượt qua.
Khi vào cua: rà phanh giảm tốc độ, về số thấp (2 hoặc 3), trong khúc cua hạn chế dùng phanh, giữ vòng tua máy cao và tăng ga khi thoát cua để lấy lại tốc độ và thăng bằng cho xe. Với xe côn tay, tuyệt đối không được cắt ly hợp khi vào cua vì rất nguy hiểm. Tại những đoạn cua khuất tầm nhìn phải đi đúng phần đường, có tín hiệu bằng nháy đèn pha, còi để báo cho xe ngược chiều.
Khi xuống dốc: về số thấp, tuyệt đối không được cắt ly hợp, tắt máy xe, hạn chế rà phanh, nhiều bạn có thói quen để số cao rồi rà phanh khi xuống dốc khiến phanh bị cháy, mất tác dụng phanh rất nguy hiểm.
Đi đường trơn, bùn lầy hay đường đá, đất (offroad) đòi hỏi phải có sức khỏe và kinh nghiệm, do vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lao vào những con đường dạng này.
Đi đường bùn lầy (offroad), cần cân nhắc về sức khỏe vì rất dễ ngã
Khi qua suối hay ngầm phải chú ý quan sát độ sâu, dòng chảy, lòng suối. Tuyệt đối không nên vượt qua ngầm, suối chảy xiết khi nước sâu quá một nửa bánh xe.
Khi đi qua đò, phà chú ý để xe thật cân bằng, chọn chỗ đứng sao cho dễ thoát hiểm khi có tai nạn, không đi những con đò, phà quá cũ nát nguy hiểm.
Trên đây là một số kinh nghiệm cơ bản để các bạn tham khảo trước khi lên đường. Qua nhiều chuyến đi, chính bản thân các bạn sẽ tự rút ra được những kinh nghiệm cho mình để từ đó có những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho bản thân. Quan trọng nhất, lên trước lịch trình, lường đến các tình huống không may và chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện cũng như sức khỏe. Và luôn nhớ tiêu chí “An toàn” là trên hết cho mỗi cuộc hành trình.