Nếu chưa tìm hiểu qua về những kỹ năng và thủ thuật chăm sóc xe cơ bản thì chi phí bảo hành, sửa chữa xe chắc hẳn sẽ khiến bạn phát hoảng, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa hè khắc nghiệt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chăm sóc xe đúng cách bạn vẫn có thể tiết kiệm được ngân sách.
Đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng xe
Sách hướng dẫn sử dụng xe được coi là “người thầy” đầu tiên trong khóa học: các bước cơ bản về bảo dưỡng, chăm sóc xe hơi. Tại đây bạn sẽ có được những thông tin chi tiết về lịch bảo dưỡng định kỳ cũng như những thông số kỹ thuật của dầu động cơ, lốp xe, đèn pha, cầu chì và nhiều bộ phận khác. Những kiến thức này rất quan trọng giúp bạn thực hiện đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đơn cử như nếu sử dụng sai dầu động cơ có thể phá hỏng hộp số và làm mất hiệu lực bảo hành hệ thống truyền lực.
Tìm kiếm trên mạng
Google chính là nơi trả lời mọi thắc mắc của bạn về hãng sản xuất, năm sản xuất, các thông số kỹ thuật của xe và cả những hướng dẫn sửa chữa một số lỗi của chiếc xế hộp. Ví dụ như chỉ cần đánh từ khóa “Thay thế đèn pha Ford Focus 2002” vào ô tìm kiếm của Google, bạn sẽ nhận được một loạt những lời khuyên hữu ích của các thành viên trong các diễn đàn, thậm chí là của cả nhà sản xuất. Không chỉ vậy, bạn còn có thể xem những hướng dẫn vô cùng trực quan thông qua những video mô tả chi tiết các bước sửa chữa do người tiêu dùng hoặc các chuyên gia trực tiếp thực hiện.
Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc các bộ phận của xe hơi:
1. Chăm sóc đèn pha
Đèn pha là một trong những bộ phận đảm bảo an toàn quan trọng nhất của bất kỳ chiếc xe nào. Nếu không chăm sóc đèn, nó có thể bị đọng sương hoặc mờ gây nguy hiểm cho bạn khi lái xe. Việc bảo trì và khôi phục đèn pha là rất quan trọng, giống như bạn đang bảo vệ đôi mắt của chiếc xe vậy. Điều đáng nói là việc chăm sóc và bảo vệ đèn pha tương đối dễ dàng và chỉ cần một chút thời gian của bạn, song nó có thể giúp bạn tiết kiệm một số tiền lớn trong việc sửa chữa và tránh những thay thế tốn kém trong tương lai.
Cụ thể, trong trường hợp đèn pha vàng/ống kính đọng sương bạn cần phải có các lớp màu đánh bóng khu vực ống kính bị ảnh hưởng. Đánh bóng nhẹ nhàng, sau đó áp dụng một lớp phủ bảo vệ chống tia cực tím cho đèn pha. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy đèn pha bị mờ (ánh sáng cung cấp bị yếu) thì việc cần làm ngay là nên thay thế toàn bộ đèn pha nhằm giúp đảm bảo an toàn cho bạn.
2. Làm sạch cần gạt nước
Sau một thời gian sử dụng, cần gạt nước thường để lại những vệt mờ trên kính. Nhiều người thường nghĩ ngay đến việc mang xe đến cửa hàng để kiểm tra hay thay một bộ gạt nước mới vì cho rằng những vệt này ảnh hưởng nhiều tới khả năng quan sát. Tuy nhiên, sự thật thì bộ gạt nước mới chỉ bị bẩn chứ chưa phải bị cũ, mòn.
Vì vậy, để cần gạt nước luôn hoạt động tốt và không gây ra những vệt mờ trên kính bạn nên thường xuyên vệ sinh thường cho bộ phận này. Bạn có thể hòa một tách amoniac pha với nước lạnh rồi dùng miếng vải mềm hoặc khăn giấy nhẹ nhàng nhấc lượt gạt nên và lau kính.
3. Rửa xe ở nhiệt độ thấp
Rửa xe thường xuyên sẽ giúp bảo vệ “tuổi thọ” của lớp sơn bên ngoài. Tuy nhiên, trong mùa hè nóng bức như hiện nay nếu rửa xe dưới trời nắng nóng có thể dẫn đến việc nhiều vết bẩn vẫn còn mà bạn không nhận ra. Bên cạnh đó, rửa xe trong điều kiện nhiệt độ cao còn ảnh hưởng lớn đến độ bền của lớp sơn trên vỏ xe. Do đó, thay vì chọn rửa xe vào buổi trưa, bạn nên chọn thời điểm thời tiết mát mẻ trong ngày và rửa ở nơi có mái che, không khí thoáng mát.
4. Xử lý những vết bẩn “cứng đầu”
Việc xuất hiện những vết bẩn khó xóa bỏ, đặc biệt là những vết bẩn do đồ ăn thức uống để lại trên vải bọc của ghế và thảm luôn khiến bạn phải đau đầu. Một số quy tắc sau sẽ khiến bạn nhanh chóng xử lý được những dấu vết khó ưa này:
- Xử lý vết bẩn càng sớm càng tốt
- Thấm hút tốt hơn là cọ xát
- Dùng nước lạnh tốt hơn là nước nóng vì nước nóng có thể khiến vết bẩn càng bám chặt hơn
- Trước khi quyết định dùng bất kỳ một sản phẩm tẩy rửa nào nên thử nghiệm ở một chỗ nhỏ và kín để tránh trường hợp bị loang lổ màu.
5. Thay nước làm mát
Nước làm mát trong hệ thống giải nhiệt của xe phải được thay 6 tháng một lần nếu dùng trong vùng lạnh hoặc 1 năm một lần nếu thời tiết không quá lạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý đến điều tưởng chừng rất đơn giản này. Thường thì đa số cho rằng chỉ cần kiểm tra xem nước có bị hao nhiều không, nếu có thì thêm vào là đủ. Thậm chí, có người còn chẳng thay nước làm mát bao giờ. Trong khi đó, cho dù dung dịch làm mát không hao hụt nhưng nếu nồng độ Etylene Glycol xuống thấp, dung dịch làm mát sẽ bị acid hóa, dẫn đến tình trạng ăn mòn các linh kiện trong hệ thống, như miếng đệm ở đầu xilanh (head gasket), máy bơm… Để biết được chính xác tình trạng của nước làm mát, bạn có thể mua những tấm giấy thử. nồng độ antifreeze/coolant trong các tiệm bán phụ tùng xe: Nhúng giấy vào nước làm mát, giấy sẽ đổi màu, tùy tình trạng acid hóa. Nhờ đó, chúng ta có thể biết được tình trạng nước làm mát còn tốt hay xấu.