Trung Quốc: Chính phủ tìm cách xoá sổ những "thây ma" trong ngành ôtô
Triển lãm ôtô Bắc Kinh đang đến gần và Trung Quốc phải đối mặt với một thực tế rằng sau 6 thập kỷ thiết lập ngành công nghiệp xe hơi, các chính sách của chính phủ vẫn không thể tạo ra một thương hiệu có thể cạnh tranh trên toàn cầu, thay vào đó là hiện tượng dư thừa công suất và sự “lấn át” của các hãng xe nước ngoài. Trước tình hình đó, Bắc Kinh đang xem xét lại các chính sách, bao gồm hợp nhất ngành công nghiệp và thu hồi giấy phép hoạt động của những tên tuổi yếu ớt.
Cách đây 4 năm, một hãng xe nhỏ tại Trung Quốc là Tongtian đã nuôi tham vọng vượt qua cả Ford khi bắt đầu với việc đầu tư nhà máy 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khu vực nhà máy chỉ là một đống đổ nát. Tongtian cũng đã ngừng sản xuất xe sau một thời gian vật lộn để cạnh tranh nhưng không thành.

Jochen Siebert – Giám đốc quản lý tại JSC Automotive Consulting ở Thượng Hải – cho biết: “Rất nhiều thứ mà các thương hiệu địa phương tạo ra đã trở nên vô dụng. Họ không có cách nào để cạnh tranh với những “ông lớn” trong ngành công nghiệp”.
Trung Quốc, quốc gia đầu tiên đạt doanh số bán hàng hàng năm vượt 20 triệu xe vào năm ngoái, đang “đánh cược” rằng ít nhà sản xuất hơn sẽ làm ra những chiếc xe tốt hơn, giống như những gì ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã trải qua trong thế kỷ 20. Hàng trăm hãng xe đã mọc lên và sụp đổ, cho đến khi “bộ ba” GM, Ford và Chrysler nổi lên và chiếm ưu thế.
Số lượng hãng xe mang thương hiệu Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm qua khi chính phủ coi ngành công nghiệp ôtô là trụ cột của nền kinh tế, thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm. Theo đó, các chính quyền địa phương cũng không ngừng cạnh tranh để lôi kéo các hãng xe bằng những ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính...
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), có tới 70 nhà sản xuất chính tại nền kinh tế thứ 2 thế giới sản xuất xe hành khách, xe bus và xe tải, chưa kể đến những hãng sản xuất xe tốc độ thấp để sử dụng chủ yếu ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, những con số đó không tỷ lệ thuận với thị phần. Tổng cộng, các thương hiệu địa phươmg chiếm 39,3% số xe bán ra trong tháng 3/2014, giảm mạnh từ con số 50,6% tháng 2/2010.
Chính quyền trung ương đã lên tiếng kêu gọi sự hợp nhất trong ngành công nghiệp ôtô từ nhiều năm nay. Vào năm 2009, chính phủ cũng đặt mục tiêu 10 hãng xe hàng đầu Trung Quốc chiếm hơn 90% thị phần, đồng thời có từ 2-3 tên tuổi bán ra hơn 2 triệu phương tiện mỗi năm. Sau đó, hồi tháng 1, 12 Bộ và cơ quan chính phủ cũng ban hành một chỉ thị chung, đặt ngành công nghiệp xe hơi lên đầu danh sách 9 lĩnh vực cần tập trung hợp nhất.
Tuy nhiên, theo Li Jingsheng, Phó tổng thư ký CAAM, cho rằng chính sách của chính phủ có thể sẽ gặp phải sự phản đối từ các chính quyền địa phương bởi họ phụ thuộc vào các hãng xe và nhà đầu tư tiềm năng để tạo công ăn việc làm cũng như doanh thu từ thuế.
Không những vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, nhiều “thây ma” trong ngành công nghiệp thà lay lắt tồn tại còn hơn phải đóng cửa vì giấy phép sản xuất của họ có thể được bán với giá hàng trăm triệu USD.
Trong khi đó, Su Bo – Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc – cho rằng: “Các hãng xe Trung Quốc nên dùng các công nghệ nhập khẩu để phát triển những ý tưởng mới, thay vì dựa dẫm hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Họ nên chủ động xây dựng thương hiệu cho riêng mình, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh để một ngành công nghiệp lớn trở nên mạnh mẽ hơn”.
