Toyota lại đòi giảm thuế ôtô

Hãng xe Nhật Bản cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tăng dung lượng cho thị trường.

Toyota kiến nghi giảm thuế
Dây chuyền sản xuất của hãng xeToyota tại Việt Nam
 
Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe thân thiện môi trường từ 45% hiện nay xuống còn 30%. Theo định nghĩa của TMV, xe thân thiện môi trường là xe có 5 chỗ ngồi, dung tích động cơ dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí xả Euro 4… Như vậy, sau gần 4 tháng kể từ đợt kiến nghị giảm hàng loạt thuế để duy trì sản xuất tại Việt Nam, hãng xe Nhật Bản tiếp tục gửi thêm gói “yêu sách” mới.
 
Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam - ông Yoshihisa Maruta – lý giải việc giảm thuế sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa và dung lượng cho thị trường. Ông cũng cho rằng giá thành một chiếc xe 4 chỗ tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với giá thành sản xuất một chiếc tương tự tại Thái Lan. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sản lượng của chiếc xe đó tại Việt Nam thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/15.
 
Khoản chênh lệch chi phí 20% trên của xe sản xuất tại Việt Nam, theo ông Yoshihisa Maruta , bao gồm: chi phí đóng gói, vận chuyển và kho bãi… cho linh kiện nhập khẩu cao hơn13%, thuế nhập khẩu một số linh kiện CKD cao hơn 3% và khấu hao lớn hơn 4%. Để giảm bớt chênh lệch về chi phí trên, người đứng đầu TMV cho rằng cần phải tăng cường nội địa hóa các linh kiện. Muốn làm được việc này phải đi đôi với sản lượng của mỗi mẫu xe gia tăng trong những năm tới.
 
Bên cạnh đó, ông Yoshihisa Maruta cũng nhấn mạnh thêm, một trong những bất lợi lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của xe ô tô nội chính là ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa phát triển. Chính điều này đã khiến phần lớn linh kiện ô tô lắp ráp tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm phát sinh rất nhiều các loại chi phí. Trong khi đó, Thái Lan đã nội địa hóa hơn 80% theo giá trị linh kiện. Đó là chưa kể hầu hết các nhà cung ứng linh kiện đều đặt gần các nhà sản xuất ô tô, giúp giảm thiểu được rất nhiều chi phí đóng gói, hậu cần. 
 
Trước mắt, để thực hiện mục tiêu nội địa hóa thêm các linh kiện tại Việt Nam, TMV sẽ chọn tập trung năng lực sản xuất hiện tại vào 1 hoặc 2 mẫu xe chủ lực để đạt được mức sản lượng cao hơn cho mỗi mẫu xe. Và lựa chọn chính của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chính là dòng xe thân thiện môi trường khi công ty này đề nghị Bộ Tài chính giảm 15% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này để thúc đẩy thị trường.
 
Trước đó, hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Yoshihisa Maruta đã từng “úp mở” về việc TMV có thể “rời bỏ” Việt Nam từ thời điểm năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về mức 0%. Thông điệp này như một “phép thử” dư luận của TMV, và ngay sau đó đã được “đính chính” rằng công ty luôn mong muốn được sản xuất tại Việt Nam và đang tìm mọi cách để duy trì sản xuất. Sau đó, hãng đã gửi kiến nghị tới các nhà chức trách Việt Nam giảm một loạt thuế bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nội địa và thuế nhập khẩu linh kiện… để có thể tiếp tục ở lại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, sau gần 20 năm bảo hộ, ngành công nghiệp ô tô đã chính thức thất bại. Việc Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên đã phát đi thông báo khẩn bán nhà máy để trả nợ gần đây là một minh chứng rõ nhất cho thấy giấc mơ ô tô nôi địa đã tan vỡ khi ngay cả những người tâm huyết nhất cũng bất lực, “đầu hàng”. Trong khi ngành công nghiệp ô tô nội địa Việt Nam đang ngấp nghé bên bờ vực phá sản thì kiến nghị tăng tỷ lệ nội địa hóa của TMV bằng cách giảm thuế này cũng chỉ là sự “vẫy vùng” trong tuyệt vọng. Và điều đáng buồn là cái kết này đã được báo trước từ rất lâu.