Phát triển công nghiệp ôtô: Vẫn chỉ… rất nhiều ý kiến

Nhiều ý kiến, nhiều tranh luận và kết quả là: “Sẽ tiếp thu!”

 
Thực ra, các vấn đề nêu trong buổi tọa đàm “Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức chiều 27/4 cũng không khác mấy lần tổ chức công bố Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 ngày 26/8. Nhìn chung, mối quan tâm của doanh nghiệp vẫn xoay quanh hai vấn đề chủ yếu.
 
Chúng ta đang đi ngược! Đó là nhận định về thuế của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki).
 
Theo lời ông kể, tháng 2/2015, một số cán bộ của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cùng một số thành viên Hiệp hội cơ khí Việt Nam đã đến doanh nghiệp của ông để tham khảo một số chính sách thuế đối với xe tải nặng. Nhưng chính này đã có quyết định sửa đổi từ tháng 11/2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015!
Giảm thuế và giảm thuế như thế nào luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Cũng như trong buổi họp 26/8, mối quan tâm thường trực của Honda là vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam – cho biết: Trước nay, Honda vẫn bảo lưu quan điểm về thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được tính một cách công bằng. Cùng chung quan điểm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) - cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có nhiều lỗ hổng. Theo ông, cơ sở để tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn là giá nhập về mà không bao gồm chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo… Trong khi đó, cơ sở để tính thuế đối với xe lắp ráp trong nước là tại mức giá bán ra cho đại lý, đã bao gồm rất nhiều loại thuế phí, các chi phí bán hàng, dịch vụ sau bán hàng… và cả lợi nhuận nhà sản xuất. Theo ông, để công bằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được tính trên giá bán buôn của doanh nghiệp nhập khẩu.
 
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty ôtô Trường Hải (Thaco)
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội - lại không đồng tình. Ông cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã chính xác. Nếu xe sản xuất trong nước muốn được tính thuế tại thời điểm xuất xưởng thì xe nhập khẩu cũng phải được tính như vậy mới được xem là công bằng. Hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hai quan điểm này. Tất cả còn phải chờ Cục Thuế tổng hợp và trình lên Chính phủ. Bởi theo ông Lưu Đức Huy - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho biết: ngành sản xuất ôtô, phụ tùng ôtô thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, nhưng theo luật Thuế và luật Đất đai nên vẫn phải rà soát xem ưu đãi đến đâu vì luật Đầu tư chỉ có nguyên tắc chung, chưa cụ thể.
 
Một vấn đề khác cũng đặc biệt được quan tâm là chính sách phát triển công nghiệp ôtô. Ông Dương than thở: không biết phải làm thế nào khi Chiến lược thì đã có mà đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể. Câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã gây bất ngờ khi cho biết: Dự thảo cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch đã được nghiên cứu bước đầu, lấy ý kiến các bộ ngành lần thứ nhất nhưng do e ngại nên chưa ban hành. Ông còn cho rằng “cần thiết có thời gian để thận trọng”.
 
Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki)
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không thể chờ sự thận trọng đó. Ông Tuấn phân tích rằng: một doanh nghiệp đầu tư ôtô muốn có lợi nhuận thì cần khoảng 5-10 năm. Nếu chính sách ra chậm thì doanh nghiệp đã “chết” rồi, sao chờ được để hưởng lợi từ chính sách nữa. Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - cảm thán: Chúng tôi chỉ cần minh bạch! Để thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, năm 2014, Bộ Công thương đã đề xuất ra nhiều chính sách hỗ trợ, từ việc giảm thuế, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để có công nghệ hiện đại, nhưng thực tế tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Theo ông, chính sách vẫn chỉ đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp lắp ráp, chứ chưa phải sản xuất hay nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Có lẽ chính điều này đã xây dựng nên hai doanh nghiệp nội với hai bức tranh hoàn toàn trái ngược: một Thaco kiên định con đường lắp ráp và vượt qua Toyota về lượng xe bán ra cùng một Vinaxuki phải bán sắt vụn để có tiền trả cho nhân công. Cũng có cảm nhận tương tự, ông Yoshihisa Maruta - Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam - rất mong Việt Nam có chính sách ổn định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Công nghiệp ôtô đã từng được ưu đãi, đã có lúc phát triển, rồi lại bất ngờ gặp lực cản. Ngành sản xuất chưa kịp phát triển, chưa kịp tạo nên thế cạnh tranh, đã gặp ngay thuế nhập khẩu bằng không theo cam kết quốc tế.
 
Một lần nữa, cũng như lần họp công bố Chiến lược, trước các đề xuất, đại diện Bộ Công thương và Tổng cục Thuế cho biết: sẽ ghi nhận các ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng xem xét và ra quyết định.