2015 có tính chất sống còn với ngành công nghiệp ôtô
Tại cuộc họp báo về kế hoạch hoạt động của Toyota Việt Nam (TMV) trong năm 2015, Tổng giám đốc Yoshihisa Maruta cho biết với thời gian 3 năm để sản xuất ra một mẫu xe, năm nay sẽ là thời điểm hãng đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. 2015 sẽ là thời điểm mang tính sống còn với các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Toyota là nhà sản xuất và lắp ráp ôtô đứng thứ hai tại Việt Nam xét về lượng tiêu thụ, chỉ sau Trường Hải. Năm 2014, TMV đã đạt doanh số kỷ lục với 41,205 xe, tăng 24% so với năm 2013, góp phần tăng tổng doanh số bán cộng dồn tính đến thời điểm hiện tại lên trên 305,779 xe. Trong năm 2014, TMV đã ra mắt thành công 3 mẫu xe thế hệ đột phá mới: đó là Vios, Yaris và Corolla Altis, cũng như giới thiệu phiên bản cải tiến của các mẫu xe Innova, Fortuner và Prado.
Về mặt sản xuất, trong năm 2014, TMV đã đạt được sản lượng kỷ lục với 34.778 xe. Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1996, sản lượng hàng ngày chỉ đạt trung bình 2 xe/ ngày, đến nay, cùng với những nố lực tăng năng lực sản xuất, cải thiện quy trình sản xuất và liên tục nâng cao tay nghề, nhà máy Toyota Việt Nam đã nâng sản lượng hàng ngày lên đến 127 xe. Đặc biệt, vào ngày 24/3 vừa qua, toàn bộ thành viên TMV đã vui mừng chào đón chiếc xe thứ 300.000 xuất xưởng, đánh dấu 1 cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Toyota tại Việt Nam.
Với những con số ấn tượng trên, vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN giảm xuống còn 0%, đây càng là một vấn đề lớn. Không riêng Toyota mà nhiều nhà sản xuất khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự, đứng giữa hai ngã rẽ: nhập khẩu hay tiếp tục sản xuất.
Vấn đề của thị trường Việt Nam bây giờ đến từ việc lịch sử ngành công nghiệp xe hơi còn tương đối “non trẻ”. Trong đó đặc biệt quan trọng là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng. Chính vì vậy nếu xung quanh các nhà máy sản xuất lắp ráp mã xuất hiện các nhà máy sản xuất linh kiện đi kèm, điều đó sẽ kích thích rất nhiều việc giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam lại cho thấy lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ còn quá ít so với Thái Lan và Indonesia. Do vậy, tại Việt Nam, Toyota chia sẻ: buộc phải nhập khẩu linh kiện tại các nước trên và chi phí bị đội lên khá nhiều. Rất có thể đến một thời điểm nào đó, nhập khẩu xe tại Thái Lan hay Indonesia sẽ rẻ hơn lắp ráp tại Việt Nam. Việc nhập một chiếc xe ô tô về bán chắc chắn sẽ rẻ hơn nhập linh kiện về lắp ráp và bán.
Đối với Toyota, khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018, đây sẽ thực sự là vấn đề lớn. Trong VAMA các nhà sản xuất khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Các nhà sản xuất đều đang phải quyết định trong năm 2018 tới đây sẽ sản xuất hay nhập khẩu. Quyết định này được đánh giá là mang tính sống còn.
Ông Maruta cũng cho biết, để sản xuất 1 cái xe sẽ mất khoảng 3 năm. Và 2015 sẽ là thời điểm cực kỳ quan trọng với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Việc chính phủ thông qua kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô 2015 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên vấn đề gặp phải ở đây, kế hoạch này cũng không nói rõ nhưng phương án cụ thể. Chính vì thế câu hỏi về việc có sản xuất hay nhập khẩu xe về bán hiện vẫn chưa thể có câu trả lời. Vị Tổng giám đốc này cho biết, TMV sẽ đợi những chính sách cụ thể được ban hành. Nếu như không có những động thái hỗ trợ cụ thể, các nhà sản xuất trong nước chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Với cương vị lãnh đạo của TMV, ông Maruta cũng rất mong muốn các chính sách thuế không có những bước tăng giảm đột ngột mà phải ổn định và từng bước. Năm ngoái TMV cũng tham khảo kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp xe hơi tại Việt Nam, trong đó cũng nhắc đến việc các chính sách thuế sẽ ổn định. Qua đó TMV cũng tin tưởng nhà nước và chính phủ sẽ thực hiện các kế hoạch đó.
Vậy là câu hỏi về việc liệu đến năm 2018, các doanh nghiệp sản xuất ô tô như Toyota tại thị trường Việt Nam liệu còn tiếp tục lắp ráp hay nhập khẩu trực tiếp vẫn còn chưa có lời đáp. Khi mà các động thái cụ thể về việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô được đưa ra từ chính phủ, có thể lúc đó các doanh nghiệp này mới đưa ra một quyết định rõ ràng.