Thị trường ôtô Việt…thế là làm sao?
Cả năm nay trên các diễn đàn từ mạng xã hội cho tới quán xá vỉa hè, câu cửa miệng khi nói về ô tô là kêu và kêu… như vạc. Là sự giận dữ “mắng mỏ” về giá xe trên trời, chất lượng kém cỏi còn các nhà làm xe thì than vãn không ngừng về chính sách. Nền kinh tế nhìn thì tưng bừng nhưng nghĩ kỹ thì thấy thấp thoáng bóng ma vỡ nợ lởn vởn. Cung cách kinh doanh thì chộp giật đáng lo... vậy mà doanh số bán xe thì cứ tăng vùn vụt, ra đường xe hơi cứ ngày một chật ních phố. Nhìn tổng thể cả năm thì hãng nào cũng lập “kỷ lục” bán hàng!? Rút cục là thị trường xe hơi Việt Nam bị làm sao?
Ô tô Việt loay hoay tiến lùi không được thì đi ngang…
Nhìn vào các con số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) báo cáo từ đầu năm. Cụ thể là 2 tháng gần đây nhất thì tháng 10/2015, thị trường đã tiêu thụ 22.368 xe, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Tiêu thụ ô tô tháng 10 tiếp nối đà tăng của tháng 9, tháng 9 tăng hơn tháng 8. Những hãng lớn như Thaco, Toyota, Ford vẫn liên tục dẫn đầu, các nhà nhập khẩu cũng không hề “ế ẩm” mặc dù giá xe của họ đều tính bằng tỷ. Tính chung 10 tháng đầu năm, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ gần 185.811 xe, tăng 53% so với năm ngoái. Trong đó, xe du lịch tăng 40%; xe thương mại tăng 71%, xe chuyên dụng tăng 109%. Lượng tiêu thụ ô tô cả năm ngay từ tháng 10 đã được các chuyên gia dự báo sẽ cán mốc 210.000 xe.
Nghèo nhưng vẫn phải cố cho thằng Tèo cái xe
Qua tháng 11/2015, theo báo cáo của VAMA tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường cộng dồn chỉ 11 tháng đã đạt 215.517 chiếc, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời chính thức vượt mốc 200.000 chiếc, vượt cả dự đoán năm là 210.000 chiếc. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 126.597 chiếc, tăng 45% có với cùng kỳ; phân khúc xe thương mại đạt 77.880 chiếc, tăng 73%; và phân khúc xe chuyên dụng đạt 11.040 chiếc, tăng 109%.
Riêng nhóm xe nhập, tháng 10 theo số liệu của Tổng cục thống kê, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đã đạt khoảng 11 nghìn xe, trị giá 203 triệu USD, tăng 28,2% về lượng và 3,6 % về giá trị so với tháng 9. Như vậy 10 tháng đầu năm 2015, lượng xe nhập khẩu cộng dồn đã lên đến 95 nghìn chiếc với tổng trị giá 2,31 tỉ USD, tăng 82,8% về lượng và 100,2% về giá trị so với cùng kì năm 2014. Con số này cũng chính thức vượt ngưỡng xe nhập khẩu cả năm 2014. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu ô tô 10 tháng qua cũng vượt tổng kim ngạch của hai năm 2013-2014 cộng lại. Tiếp tục đến tháng 11, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) lại có cú tăng vọt. Báo cáo của VAMA cho biết, tính riêng trong tháng 11 vừa qua đã có tổng cộng 12.577 xe CBU được nhập khẩu về nước, tăng đến 95% so với tháng liền trước. Trong khi đó, sản lượng bán hàng xe CKD đạt 17.129 chiếc. Dĩ nhiên so về số lượng với các loại xe lắp ráp trong nước (CKD), lượng xe CBU nhập khẩu trong tháng 11/2015 vẫn thấp hơn. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại là điều hoàn toàn khác biệt, điều này càng cho thấy sự “khó hiểu” với một thị trường vẫn bị coi là “nghèo”. Vì theo dự kiến, lượng ô tô nhập khẩu năm 2015 đạt 100 nghìn ô tô, vượt mốc 2,5 tỉ USD, thì vào tháng 11 đã xác định và vượt cả dự kiến.
Như vậy tính riêng cả thị trường trong tháng 11/2015, theo báo cáo của VAMA tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường đạt 29.706 chiếc, tăng đến 33% so với tháng liền trước và tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 18.611 chiếc, tăng 42% so với tháng liền trước; phân khúc xe thương mại đạt 9.723 chiếc, tăng 18,4%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 1.372 chiếc, tăng 31,2%. Nhưng thị trường cuối năm lại xuất hiện một hiện tượng “kỳ lạ” so với truyền thống sắm xe của người Việt. Bởi vốn dĩ ở Việt Nam xưa nay việc mua một chiếc xe hơi là để giữ tiền và khẳng định cái đẳng cấp, hay nói nôm na là vì cái “sỹ diện” là phần nhiều. Nên xe hơi phải là xe du lịch bóng bẩy, vì thế mà những chiếc Camry, Altis, Mercedes..vv mới được ưa chuộng đến vậy. Vậy mà liên tiếp những tháng gần đây số lượng xe bán tải lại được mua ào ạt, mặc dù đến hơn nửa là mua vẫn chỉ để đi “ca-fe”! Thực tế chứng minh bởi cả loạt xe bán tải từ Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Chevrolet Colorado hay Mazda BT-50.. đều tăng doanh số. Trong đó lượng xe Ford Ranger bán ra thị trường trong tháng 11/2015 đã đạt con số kỷ lục là 1.333 chiếc. Doanh số bất ngờ này đã chính thức đưa chiếc xe bán tải này và đưa cả dòng xe bán tải lần đầu tiên giành vị trí xe bán chạy nhất, mà không phải là xe du lịch ở Việt Nam (dĩ nhiên không kể đến doanh số bán lên đến hàng ngàn chiếc xe nhỏ Grand i10 của Hyundai, không công bố). Nhưng về chính danh thì Ranger đã giữ vững vị trí dẫn đầu phân khúc bán tải và cả “làng xe” với 1.333 xe bán ra trong tháng 11, tăng gấp đôi so với doanh số 603 xe vào tháng 11 năm 2014. Doanh số cộng dồn của “vua bán tải” đến nay đã đạt 7.311 xe, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếc bán tải đã bán tốt hơn cả chiếc xe du lịch bán nhiều nhất lâu nay Toyota Vios (1.257 chiếc).
Mặc dầu không phủ nhận sức hấp dẫn của Ranger là rất đáng nể, vẻ đẹp cơ bắp và đầy công năng công nghệ hiện đại nhất hạng. Nhưng cũng phải rõ là Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường mà các doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh cá thể biết sử dụng bán tải đúng chức năng. Vậy doanh số vượt đỉnh của bán tải thể hiện điều gì ở cái thị trường này?
Mặc dầu không phủ nhận sức hấp dẫn của Ranger là rất đáng nể, vẻ đẹp cơ bắp và đầy công năng công nghệ hiện đại nhất hạng. Nhưng cũng phải rõ là Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường mà các doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh cá thể biết sử dụng bán tải đúng chức năng. Vậy doanh số vượt đỉnh của bán tải thể hiện điều gì ở cái thị trường này?
Với xe Toyota ,dù cũng là cái tên bị “bêu riếu” suốt ngày trên mạng, trên các diễn đàn xe cộ, nhưng vẫn là Vua bán hàng với vị trí đầu bảng về tổng sản lượng bán hàng cùng 3 mẫu xe nằm trong Top 10. Trong đó, Vios đứng ở vị trí thứ 2 với 1.257 chiếc, Fortuner thứ 4 với 877 chiếc và Innova đứng thứ 5 với 854 chiếc. Chỉ có 2 mẫu xe du lịch tạm gọi là “sang chảnh” của Toyota là Camry và Corolla Altis (với cái giá đã leo lên tiền tỷ) đã không còn chỗ đứng truyền thống trong nhóm 10 mẫu xe đắt khách nhất tháng.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục thống kê, nếu tính cả linh kiện và phụ tùng ô tô, thì tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 lên đến 4,8 tỉ USD, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2014. Như thế không thể nói là thị trường ô tô xứ này èo uột và lạc hậu được, vì sức luân chuyển của thị trường dịch vụ cho xe vẫn tăng vùn vụt như trên.
Rốt cục thị trường ô tô Việt đâu có “thảm”, minh chứng là doanh số tăng vù vù, hãng vẫn bán được xe và dân thì rõ là vẫn còn giầu, ngày càng giầu hơn. Mà sức tăng trưởng của “ô tô” thì rõ là thể hiện xã hội văn minh hơn, tốt hơn! Vậy sao các nhà “hùng biện” cứ lo cho tương lai ảm đạm của ô tô nước nhà?
Nếu nhìn chung trên bình diện cả nền kinh tế thì những tín hiệu tăng trưởng từ đánh giá của các tổ chức tín dụng quốc tế như ngân hàng ADB, HSBC hay WB. đều cho những dữ liệu lạc quan. Trong Báo cáo mới nhất công bố ngày 2/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. Theo dự báo của định chế tài chính này, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và tăng trưởng GDP trong năm 2016 có thể đạt 6,6%. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam. Báo cáo cho thấy, đầu tư tăng mạnh nhờ tăng FDI và tăng chi đầu tư cơ bản của chính phủ trong giai đoạn kết thúc kế hoạch 5 năm hiện tại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng đầu tư tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Làn sóng thoái vốn nhà nước tăng, lượng tiền đầu tư mới được đổ ra. Các khoản vay ODA vẫn tiếp tục được rót. Những dự án đầu tư xây dựng cơ bản và “làm đẹp” nền kinh tế XHCN đua nhau nở rộ..vv Triển vọng “kiếm tiền” của dân là rất sáng sủa! Dân số trẻ dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang tính hưởng thụ gấp gáp hơn, mua sắm bạo tay hơn. Mặt khác đặc tính cố hữu của người Việt vốn bo bo giữ của, ích kỷ và thờ ơ với cái chung cũng thể hiện trong thói quen và thái độ với thị trường xe hơi.
Điều này thể hiện rõ tại sao mà có những làn sóng mua xe dồn dập theo kỳ, mua bằng được thì thôi. Cứ gần Tết là phải mua xe! Và xe dù đắt và bị kêu là vô lý nhưng ai mua thì vẫn mua “nhẹ” như không. Nếu thực đắt quá ai mua, có lẽ vì kiếm dễ nên mua dễ, thị trường thuận mua vừa bán đâu ai cướp được của ai!? Có những dòng xe thì nhìn tưởng khó bán lại bán mạnh, chẳng có gì vô lý khi đám đông khách hàng phần nhiều là “khôn vặt”. Họ sẽ đổ xô đi mua những gì được nhiều lời hâm mộ, tất nhiên sản phẩm cũng phải có tốt. Nhưng mua chiếc xe không vì nó thực sự có ích với công việc hay thực sự nó hợp với xu thế của kinh tế chung. Mà vì để có được sự “yên tâm” khi bỏ ra 1 đống tiền, vì ai cũng mua. Bán hẳn dễ! Điều đó giải thích cho những con số thay đổi lên xuống trong “Top” các xe bán chạy hàng tháng. Giải thích cho việc có những mẫu xe bị chửi rầm rầm nhưng vẫn mắt trước mắt sau chạy đi mua ngay khi có tiền.! Và cũng sẵn sàng gạt sang 1 bên mẫu xe vốn đang “hot” chỉ vì giá tăng đến mức có thể mua cái xe mà “oai” hơn.. Cũng là cái sự khôn ranh nên mới có chuyện thấy lợi từ thuế mà sẵn sàng mua bán tải để lúc nào cũng rưng rưng sướng vì cảm thấy không phải đóng nhiều thuế. Dù cả năm có khi chỉ đi trong phố, khạc khói đen và chả chở cái gì! Cũng là câu chuyện tâm lý, có ý kiến cho rằng làn sóng xe nhập bùng nổ vì nhà nước lại sắp “đẻ” ra thuế mới để cân bằng lại khoản thuế phải cắt giảm khi vào AFTA. Thế là người ta lại hò nhau đi mua xe.
Từ phía người mua người bán thấy rõ ràng là suôn sẻ, tiền trao cháo múc, doanh số tăng, nhà nhà có xe hơi vi vu, tiện bề làm ăn, hưởng thụ văn minh ô tô. Dù cũng có vài khuất tất bực bội trong việc làm giá để lách thuế hay cãi vã đòi hỏi, thậm chí kiện cáo nhầy nhưa để bớt xén tiền xe. Nhưng nhìn chung là chả ai bị “áp giải” vào showroom để mua ô tô. Lợi ích riêng của bên nào cũng đều là Tốt! Thế thì tại sao người ta vẫn cứ chê bai thị trường xe là lố lăng? Nhìn vào lợi ích cộng đồng quả đúng là lộn xộn và chả thể nào dự báo được gì trật tự cho cái ngành này. Giao thông thì ngày một hỗn loạn. Nguy cơ chết yểu cho ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nội địa thì ngày một teo tóp. Nhưng mà hãy nhìn rộng ra nữa mới thấy, cái hạ tầng cả cứng lẫn mềm cho thị trường ô tô Việt có trật tự ngăn nắp và nhất quán minh bạch gì đâu mà bắt người “chơi” phải nghiêm túc. Thuế thì nay tăng mai giảm, giá xe và chủng loại chạy theo mướt mả kéo theo người mua hoang mang. Nay thì ưu tiên xe này mai lại bảo xe kia là chiến lược, loanh quanh chả biết xe nào sẽ là xe được đầu tư dài hạn. Rồi hạ tầng cơ sở kinh tế giao thông cũng mạnh ai nấy làm, xe to xe nhỏ tống ra đường để thu tiền hết. Một cơ chế quản lý tận thu chứ không phải định hướng xây dựng. Vì thế mà chuyện “lên voi xuống chó” của các mẫu xe thay đổi như đèn cù là đương nhiên.
Các cụ đã nói “Quan tham thì Dân gian”, ai cũng phải giữ thế phòng thân. Nên đừng lên án bất kỳ sự khó hiểu nào của chuyện xe bán nhiều bán ít, xe tốt xe xấu! Mà hãy biết rằng xe nào được “thổi” khéo thì xe đó sẽ bán tốt. Dân còn biết tin ai ngoài nhìn làng mà theo, đó là cách bảo toàn giá trị tốt nhất. Mà “làng” là ai, không phải là đám lê la đồn thổi đâm bị thóc chọc bị gậy khắp các chợ các thôn các hội nhóm ai cũng có thể lên tiếng, bàn luận tung hê. Vì dân ta khôn nhưng cũng nhát lắm, hay nghi kỵ đa nghi.. nên phải nghe đúng thằng mõ rao lời các “cụ” cơ mới tin.! Các hãng xe cũng khôn chán, kêu thì cứ kêu. Nhưng “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” kết thúc một năm bán xe đuề huề!