Tại sao mô hình Toyota thành công ở Việt Nam
Sau 10 năm thực hiện chương trình Monozukuri - khái niệm về một quá trình nghiên cứu xây dựng một quy trình để tạo ra một sản phẩm tốt nhất – do Toyota khởi xướng tại Việt Nam. Hội thảo tổng kết đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 70 doanh nghiệp, sinh viên các trường Đại học và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam. Rất nhiều những thành tựu và lợi ích thực tế đã được chia sẻ.
Toyota Việt Nam (TMV) với mục tiêu trở thành công dân tốt trong cộng đồng sở tại, đã triển khai nhiều hoạt động đóng góp xã hội trên 4 lĩnh vực, bao gồm: An toàn giao thông, Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Môi trường và Thể thao-Văn hóa-Xã hội. Trong đó, Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là một lĩnh vực quan trọng, luôn được TMV đặc biệt chú trọng. Vì thế mà từ năm 2005, khóa học Monozukuri – tạm dịch là Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh của Toyota đã lần đầu được tổ chức. Nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như sinh viên kỹ thuật Việt Nam, được tiếp cận và hiểu sâu hơn về Hệ thống sản xuất Toyota cũng như những bí quyết thành công của Tập đoàn Toyota. Từ đó, nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng nhất cho Việt Nam.
Chương trình Monozukuri đã và đang tập trung cung cấp và chia sẻ các thông tin về Hệ thống Sản xuất Toyota (Toyota Production System -TPS), Giảm thiểu lãng phí và Cải tiến không ngừng, Công việc tiêu chuẩn, Quản lý chất lượng trong Sản xuất tinh gọn của Toyota, và Phương pháp tư duy tích cực trong giải quyết vấn đề... Các khóa học đã được triển khai theo hình thức thảo luận nhóm, bài tập tình huống, xác định vấn đề ngay trong công việc thực tiễn sản xuất hàng ngày của công ty và đề xuất các giải pháp thích hợp.
Qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình đã thực hiện thành công 02 Mô hình Cải tiến thí điểm (Kaizen Showcase) tại Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam I (VPIC1) và Tập đoàn LeGroup, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng TPS thành công vào sản xuất của chính doanh nghiệp và đã đạt được tiến bộ đáng kể trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh. Công ty TNHH Diesel Sông Công (DISOCO) và công ty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng (TMI Vietnam) đã chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, cũng như những kết quả và thành tựu đạt được sau khi tham gia khóa học Monozukuri. Dự kiến khóa học Monozukuri tiếp theo “Phương thức sản xuất Lean” sẽ được thực hiện vào trung tuần tháng 5 năm nay.
Monozukuri là gì?
Monozukuri là một từ tiếng Nhật, trong đó “mono” có nghĩa là sản phẩm và “zukuri” có nghĩa là quá trình tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, Monozukuri không chỉ đơn giản là “tạo ra sản phẩm”, mà đây là một khái niệm chỉ việc cung cấp ý tưởng về một quá trình xây dựng tinh thần sản xuất, một hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm tốt. Khái niệm này cũng mang hàm ý thể hiện kỹ năng, tinh thần, niềm say mê và sự tự hào về khả năng thực hiện hoạt động tạo ra những sản phẩm chất lượng một cách tốt nhất. Ý nghĩa của Monozukuri không phải là hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức, nó đỏi hỏi sự tư duy sáng tạo gắn liền với sự khéo léo, lành nghề của người lao động. Điều này chỉ có được sau một quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm lâu dài trong thực tiễn, hơn là chỉ thông qua những chương trình học hàn lâm truyền thống. Trên quan điểm đó, Monozukuri thực sự có tính chất nghệ thuật hơn, chứ không chỉ mang tính chất khoa học thuần túy.
Triết lý của Toyota là sản phẩm làm ra không phải do máy móc mà do con người tạo ra, và điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường để con người có thể không ngừng đưa ra những ý tưởng mới cũng như liên tục cải tiến qui trình sản xuất. Đối với những ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi toàn cầu, việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất để có thể đảm bảo sự phát triển lâu dài và khả năng thành công cho doanh nghiệp.