Những “điểm nhấn” trên thị trường ôtô xe máy Việt 2018

Thị trường ôtô Việt đi qua năm 2018 với những dấu ấn đáng chú ý như việc Trường Hải chính thức trở thành nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam hay rào cản của Nghị định 116 khiến xe nhập gặp khó.

Trường Hải chính thức phân phối xe BMW
 
 
Sau khi nhà phân phối cũ là Euro Auto bị cắt quyền do sử dụng giấy tờ giả để buôn lậu, Trường Hải (Thaco) chính thức tiếp quản quyền phân phối xe mang các thương hiệu BMW, MINI, và BMW Motorrad tại thị trường Việt từ tháng 1/2018.
 
Tiếp quản thương hiệu BMW đồng nghĩa với việc Trường Hải có thêm cơ hội để mở rộng thị phần nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều khó khăn bởi hãng chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực xe sang. Một đối thủ “đáng gờm” mà công ty cần vượt qua là Mercedes-Benz. Các số liệu cho thấy năm 2018, Mercedes-Benz bàn giao cho khách hàng Việt hơn 6.269 phương tiện. Trong khi đó, dưới thời Euro Auto, số lượng xe BMW ra khỏi đại lý mỗi năm chưa đến 2.000 chiếc.
 
Hiện tại, xe BMW phân phối tại Việt Nam đều là xe nhập. Tuy nhiên, mới đây đại diện Trường Hải tiết lộ hãng đang “ấp ủ” kế hoạch lắp ráp xe BMW dù chưa có thông tin cụ thể về địa điểm, cách thức cũng như những sản phẩm định lắp ráp.
 
Nghị định 116 khiến xe nhập “tắc đường” về
 
 
Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất năm vừa qua chính là Nghị định 116 và Thông tư 03. Phải mất tới nửa năm, hoạt động nhập khẩu xe gần như “đóng băng”.
 
Nhiều nhất là tháng 3 với 3.676 xe được đưa về nước. Có được kết quả này phải kể đến lô hàng hơn 2.000 xe của Honda đáp ứng các quy định và thông quan vào ngày 16/3, nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Nằm trong diện ưu đãi thuế nhập khẩu 0% là những mẫu xe như Honda Accord, CR-V, Jazz và Civic sản xuất tại Thái Lan.
 
Kể từ tháng 6 trở đi, xe nhập khẩu tăng trưởng khá đều đặn và đạt kỷ lục vào tháng 11/2018 với 14.538 chiếc, trị giá 305 triệu USD.
 
Cộng dồn cả năm, người Việt nhập khẩu tổng cộng 81.609 xe ôtô các loại, kim ngạch 1,8 tỷ USD. Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia “áp đảo”, bỏ xa các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ... Riêng hai thị trường này chiếm 88,8% số lượng và 75% kim ngạch nhập khẩu ôtô của Việt Nam năm 2018.
 
Thuế nhập khẩu ôtô về 0%, giá xe không giảm như kỳ vọng
 
 
Bên cạnh Nghị định 116, một quy định có hiệu lực ngay đầu năm 2018 là việc xe nhập từ các nước ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu 0% nếu đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa từ 40%. Thông tin khiến không ít người có ý định mua ôtô cảm thấy vui mừng vì cho rằng có thể sở hữu xe với mức giá thấp hơn.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá xe hầu như không giảm, một số mẫu có giảm cũng không đáng kể, có những mẫu xe còn tăng giá so với khi chưa hưởng ưu đãi thuế.
 
Như đã đề cập ở trên, do những rào cản của Nghị định 116 và Thông tư 03 nên nhiều dòng xe dù được áp dụng thuế nhập khẩu 0%, các đại lý cũng không có hàng để bán. Tình trạng cung không đủ cầu khiến nhiều mẫu xe bị “thổi giá”. Khách hàng muốn nhận xe phải chờ đợi, hoặc chấp nhận “mua bia kèm lạc”.
 
Một số ý kiến cho rằng tại Việt Nam, giá xe không chỉ phụ thuộc vào thuế nhập khẩu mà còn bị tác động bởi một loạt yếu tố khác như chi phí mặt bằng kinh doanh, chi phí nhà xưởng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT... Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, khách hàng cũng là những người cuối cùng chịu “thiệt” khi không được hưởng đầy đủ lợi ích từ việc giảm thuế nhập khẩu.
 
“Hiện tượng” VinFast
 
 
Trong năm qua, có lẽ VinFast trở thành cái tên được dư luận trong nước nhắc đến nhiều nhất. Mọi động thái của hãng, từ khởi công nhà máy cho đến bình chọn thiết kế xe hay những hình ảnh về sản phẩm đầu tiên được tiết lộ đều trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.
 
VinFast chính thức giới thiệu hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại triển lãm Paris Motor Show diễn ra từ ngày 4/10-15/10/2018. Không riêng báo chí trong nước mà truyền thông quốc tế đều tốn khá nhiều “giấy mực” với cái tên VinFast.
 
Hơn một tháng sau, bộ đôi xe VinFast cũng đã ra mắt khách hàng Việt trong một sự kiện được tổ chức tại công viên Thống Nhất - Hà Nội.
 
Bên cạnh Lux A2.0 và Lux SA 2.0, hãng còn đem đến mẫu xe cỡ nhỏ Fadil. Mức giá cho 3 mẫu xe trong giai đoạn đầu mở bán lần lượt là 1,136 tỷ đồng, 800 triệu đồng và 336 triệu đồng (không bao gồm VAT).
 
Đây đều là giá bán áp dụng chính sách “3 không” cộng với ưu đãi. Ngày 25/12/2018, VinFast thông báo sẽ tiến hành 3 đợt điều chỉnh trong năm 2019 để đưa giá bán sản phẩm về mức “3 không”, tức giảm dần các ưu đãi.
 
Xu hướng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu
 
 
Thời gian gần đây, trên thị trường Việt đang có một “làn sóng” chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Điển hình là Suzuki Swift thế hệ mới ra mắt khách hàng vào ngày 1/12/2018 được nhập từ Thái Lan. Xe cũ bị ngừng lắp ráp từ năm 2017 nhưng do những vướng mắc của Nghị định 116, xe mới không thể về sớm như mong đợi.
 
Trước đó, cuối tháng 11/2018, Mazda2 mới được Trường Hải giới thiệu với mức giá khởi điểm 509 triệu đồng. Mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước.
 
Không chỉ Mazda2 hay Suzuki Swift, nhiều mẫu xe khác cũng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, bao gồm Ford Everest, Honda Civic, Honda CR-V, Toyota Fortuner.
 
Một số ý kiến cho rằng so với xe lắp ráp, xe nhập thường có lợi thế hơn bởi tâm lý “sính ngoại” của người Việt. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất sẽ tính toán đến lợi nhuận khi quyết định sản xuất hay “đi buôn”, đặc biệt đối với những sản phẩm bán chậm. Khi chuyển sang nhập khẩu, số tiền đầu tư cho dây chuyền lắp ráp có thể được doanh nghiệp dùng cho những mẫu xe khác đem lại hiệu quả cao hơn.
 
Hai triển lãm xe “về chung một nhà”
 
 
Sau ba năm tổ chức riêng lẻ, bước sang năm 2018, Triển lãm Ôtô Việt Nam (VMS) và Triển lãm Ôtô Quốc tế Việt Nam (VIMS) đã được gộp thành một sự kiện diễn ra tại TP.HMC vào tháng 10/2018. Điều đó đồng nghĩa với việc khách tham quan được thưởng thức một bữa tiệc đầy màu sắc với sự góp mặt của cả xe “nội” và xe “ngoại”.
 
Triển lãm năm ngoái vẫn vắng bóng những thương hiệu chuyên về lắp ráp như Hyundai Thành Công và Trường Hải, tạo điều kiện để xe nhập “toả sáng”. Trong số hơn 100 mẫu xe được vén màn tại triển lãm, có đến hơn một nửa là xe nhập khẩu. Một thời gian dài rơi vào tình trạng khan hàng do những rào cản của Nghị định 116, sự kiện có thể xem như màn “chào hàng” của xe nhập trước khi bước vào mùa mua sắm cuối năm.
 
Hàng loạt mẫu xe bị khai tử
 
Bên cạnh sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới, không ít cái tên đã “biến mất” khỏi danh mục sản phẩm của các hãng.
 
Ford Việt Nam thông báo dừng lắp ráp Fiesta tại nhà máy của hãng ở Hải Dương, 7 năm sau khi mẫu xe đô thị hạng B có mặt trên thị trường.
 
Ford Fiesta được giới thiệu trên thị trường Việt vào năm 2011. Tuy nhiên, sau khi trải qua thời kỳ “hoàng kim” vào những năm 2011, 2012 cùng lượng tiêu thụ tính theo nghìn chiếc, vài năm trở lại đây, kết quả kinh doanh mẫu xe cỡ B không thực sự tốt. Năm 2017, Ford chỉ bán ra 504 xe. Tình tình năm 2018 cũng không khả quan hơn với kết quả hơn 300 xe.
 
Bên cạnh Fiesta, nhiều mẫu xe khác đều “chung số phận”, bao gồm Kia Rio, Mitsubishi Pajero, Chevrolet Trax, Nissan Teana...
 
“Làn gió mới” xe máy hybrid
 
 
Không chỉ ôtô, xe máy cũng cần đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Bởi vậy, các nhà sản xuất đã đầu tư phát triển công nghệ mới, nổi bật trong số đó là công nghệ hybrid xăng-điện. Nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới, một số hãng xe máy tại Việt Nam giới thiệu trên thị trường những chiếc xe “xanh” như Honda PCX Hybrid hay Yamaha Grande Hybrid.
 
Ngày 20/8/2018, Honda Việt Nam ra mắt phiên bản thương mại của PCX Hybrid. Xe được lắp ráp tại nhà máy Honda Vĩnh Phúc cùng giá bán 89,99 triệu đồng.
 
Một mẫu xe khác ứng dụng công nghệ tương tự là Yamaha Grande Hybrid ra mắt ngày 4/12/2018 tại TP.HCM. Xe được cung cấp với hai phiên bản. Bản tiêu chuẩn giá niêm yết 45,5 triệu đồng, trong khi bản cao cấp hơn đi kèm ABS có giá 49,5 triệu đồng.