Những công nghệ ô tô mới hóa ra “cũ mèm”

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt công nghệ tiên tiến, thậm chí được xem là những bước đột phá. Tuy nhiên, không phải tất cả đều hoàn toàn mới. Không ít trong số đó đã từng xuất hiện trong lịch sử nhưng vì một số lý do mà chưa thực sự phổ biến và phải đến ngày nay mới được “tái sinh” như xe tự lái, phanh tái tạo năng lượng hay công nghệ “ngắt” xy-lanh.

công nghệ ô tô 1
 
1. Xe tự lái
 
Dù chưa có một mẫu xe nào được sản xuất đại trà nhưng thời gian qua, xe tự lái đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp xe hơi, thậm chí các hãng công nghệ cũng không chịu ngồi yên.
 
Thực tế, hình thức thô sơ của xe tự lái đã có từ năm 1964, sản phẩm của phòng thí nghiệm Stanford Artificial Intelligence Laboratory, Mỹ. Xe được trang bị camera và kết nối không dây với một máy tính cỡ lớn. Camera có nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh và gửi về hệ thống máy tính để xử lý. Sau khi phân tích các hình ảnh, máy tính sẽ quyết định đường đi tiếp theo của phương tiện và gửi lệnh quay trở lại. Quá trình được thực hiện lặp đi lặp lại, giúp chiếc xe di chuyển về phía trước mà không cần người điều khiển.
 
Đầu thập kỷ 90, công nghệ tự lái tiến xa hơn một bước khi trường đại học Carnegie Mellon phát triển một mẫu xe van cỡ lớn có thể di chuyển trên đường ở tốc độ khá chậm. Theo đó, các camera sẽ phát hiện vạch trên đường và giữ phương tiện không bị chệch làn.
 
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ tự lái đã có những bước cải tiến đáng kể. Một trong những tên tuổi tích cực nhất phải kể đến “gã tìm kiếm” Google khi những mẫu xe thử nghiệm của hãng đã đi được quãng đường 160.000 km và công ty vẫn đang nghiên cứu để thúc đẩy sự an toàn.
 
2. Trạm đổi pin cho xe điện
 
công nghệ ô tô 2
 
Trong bối cảnh quy định về khí thải ngày càng nghiêm ngặt, các hãng xe có xu hướng chuyển sang những dòng xe với mức phát thải thấp hơn, trong đó có xe điện. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa thực sự phổ biến do những “điểm trừ” như phạm vi hoạt động hạn chế, thời gian chờ sạc pin kéo dài khiến xe điện không thích hợp cho những chuyến đi xa. Bởi vậy, các trạm đổi pin cho xe điện được xem là một ý tưởng nhằm thúc đẩy tính khả thi cho dòng xe thân thiện với môi trường.
 
Nguyên lý đằng sau công nghệ rất đơn giản. Tài xế chỉ cần đậu xe ở các trạm và ngồi chờ hệ thống tự động thay bộ pin đã cạn bằng một bộ pin mới đã được sạc đầy. Thời gian cũng tương đương với việc đổ xăng hay dầu diesel.
 
Hiện tại có hãng Better Place, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho xe điện lớn nhất thế giới, hay Tesla đã tiến hành thử nghiệm với các trạm đổi pin nhưng họ đều không phải tên tuổi sáng tạo ra phương pháp này. Vào cuối những năm 1890, một hãng taxi của Mỹ đã sở hữu những chiếc taxi chạy điện sử dụng trạm pin thay thế. Khi đó, sau một thời gian hoạt động, các phương tiện sẽ quay về trạm để được thay pin mới trong khoảng thời gian chỉ vài phút. Tuy nhiên, công ty này đã phá sản sau đó 1 thập kỷ, xe điện cũng dần bị lãng quên và đến nay mới lại “trỗi dậy”.
 
3. Trạm sạc công cộng cho xe điện
 
công nghệ ô tô 3
Phạm vi hoạt động vẫn luôn là một rào cản khiến xe điện chưa thực sự “chạm” tới người tiêu dùng. Nếu như ở thời điểm hiện tại, hãng xe điện Tesla sở hữu một mạng lưới trạm sạc nhanh với 554 trạm sạc trên toàn thế giới thì từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mỗi nhà sản xuất xe điện đều đã có những “chiêu” nhất định để giải quyết vấn đề này.
 
Hầu hết các hãng chọn cách bán hoặc cho khách hàng thuê những loại sạc pin khác nhau. Một số đại lý xây dựng các trạm sạc ngay tại cơ sở của mình. Chưa “thỏa mãn”, hãng xe GM còn xây dựng một mạng lưới trạm sạc công cộng. Chúng trông giống các box điện thoại và xuất hiện rộng khắp ở các khu đô thị. Việc người dân cần làm là đậu xe và chờ sạc với chi phí 10 cent/kW. Tuy nhiên, những cơ sở này cũng “chết dần chết mòn”, một phần do chưa có tiêu chuẩn toàn cầu nào cho các ổ cắm sạc, tức là chỉ một số dòng xe nhất định mới có thể sử dụng.
 
4. Công nghệ vô hiệu hóa xy-lanh
 
công nghệ ô tô 4
 
Hơn 30 năm về trước, mẫu xe thương mại đầu tiên áp dụng công nghệ này là Cadillac. Với sự hợp tác của Eaton Corporation, GM đã phát triển một hệ thống quản lý nhiên liệu mới “Modular Displacement” cho dòng động cơ V8 6 xy-lanh tại thời điểm đó. Được quảng cáo với tên gọi “V-8-6-4,” hệ thống có khả năng thay đổi số xy-lanh hoạt động từ 8 xuống 6, thậm chí xuống 4 tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Module điều khiển động cơ sẽ quyết định số lượng xy-lanh cần tắt đi.
 
Sau đó không lâu, Mitsubishi và Alfa Romeo cũng ứng dụng một hệ thống có nguyên lý hoạt động tương tự công nghệ trên Cadillac. Đáng tiếc, các hệ thống này đều không chứng minh được sự tin cậy nên không phổ biến trong nhiều năm liền. Ngày nay, một số hãng xe như Mercedes-Benz, Chrysler, GM Honda và Volkswagen đã “tái sinh” ý tưởng về vô hiệu hóa xy-lanh, cùng với đó là những công nghệ mới như điều khiển van biến thiên và tỷ số nén biến thiên.
 
5. Phanh tái tạo năng lượng
 
công nghệ ô tô 5
 
Phanh tái tạo năng lượng có mặt trên rất nhiều dòng xe, trong đó có các xe hybrid. Hệ thống giúp phương tiện sạc lại pin, tăng hiệu năng động cơ, đồng thời giảm thiểu tiêu hao năng lượng và mở rộng phạm vi hoạt động.
 
Bởi vậy, không ít người sẽ cho rằng công nghệ “xịn” này xuất hiện vào cùng thời điểm với xe điện và xe hybrid hiện đại nhưng thực tế không phải vậy. Trên mẫu xe điện Baker Electric Runabout được sản xuất từ năm 1904 cũng đã tồn tại hình thức khá phức tạp của phanh tái tạo. Theo đó, động năng và nhiệt năng khi tài xế phanh xe sẽ được biến đổi thành dòng điện, phục vụ một số nhu cầu của phương tiện.